Ông Võ Văn Men, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện tỉnh có khoảng 8.000 ha sầu riêng đang cho thu hoạch trong vụ này, tập trung ở các huyện, thị vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền (tỉnh Tiền Giang) là Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy. Vụ sầu riêng dự kiến kéo dài từ nay đến tận tháng 3/2023.
Trong vụ nghịch năm nay, nhà vườn Tiền Giang đã tập trung thâm canh, chăm sóc nên đạt năng suất cao, bình quân 25 đến 30 tấn/ha. Thương lái đang đến tận vườn thu mua sầu riêng với giá từ 78.000-80.000 đồng/kg, tùy loại, cao hơn thời điểm đầu tháng 10/2022 bình quân khoảng 10.000 đồng/kg.
Nhờ vậy, mỗi ha sầu riêng thu hoạch đúng vào thời điểm hiện nay, nông dân đạt lợi nhuận lên đến hàng tỷ đồng. Nông dân Nguyễn Văn Hai, cư ngụ tại xã Long Tiên, huyện Cai Lậy vừa thu hoạch khoảng 5 tấn quả, bán với giá 78.000 đồng/kg, thu gần 400 triệu đồng đánh giá, sầu riêng có giá nhờ thị trường Trung Quốc đang ăn mạnh, đầu ra thuận lợi và đầu vụ thu hoạch nguồn cung trong dân cũng thực sự chưa nhiều. Gia đình ông có 5.000 m2 đất trồng chuyên canh giống sầu riêng RI 6 và Mong Thong chất lượng cao, hàng năm đạt sản lượng thu hoạch từ 12 đến 15 tấn quả.
Thực tế cho thấy, sầu riêng có giá, sản lượng không nhiều, nguồn cung còn hạn chế. Do vậy, thương lái tỏa đi lùng sục khắp các xóm ấp tìm nguồn hàng để mua, tạo ra quang cảnh hết sức náo nhiệt, tấp nập ở làng quê vùng chuyên canh khi địa phương trở lại trạng thái bình thường mới khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 vừa qua.
Tại khu vườn 4.000 m2 trái lúc lỉu trên cành, dự kiến thu hoạch trong dăm ngày tới, ông Nguyễn Văn Hiền (Cẩm Sơn) kỳ vọng giá sầu riêng sẽ còn tăng nữa thì gia đình ông bội thu bù đắp những thua thiệt do thiên tai, dịch bệnh trong năm vừa qua. Theo ông Hiền, ước tính sản lượng khu vườn trong vụ này không dưới 8 tấn quả, thời giá hiện nay thấp nhất cũng khoảng 300 triệu đồng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chia sẻ, sầu riêng Việt Nam được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp giá sầu riêng tăng mạnh thời gian gần đây, thiết thực mang lại niềm vui chung cho các cấp, các ngành, đặc biệt là bà con vùng chuyên canh.
Nhằm tạo thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ trái sầu riêng đặc sản cũng như dễ dàng được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn thủ tục lập hồ sơ xuất khẩu chính ngạch cho các doanh nghiệp và hợp tác xã; đăng ký và thẩm định, cấp mã số vùng trồng cho vùng chuyên canh và các công việc cần thiết khác.
Hiện nay, toàn vùng đã được cấp 2 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích gần 100 ha. Đồng thời, đang tiếp tục nộp hồ sơ, chờ thẩm định 21 hồ sơ với khoảng 1.100 ha, ước sản lượng không dưới 30.000 tấn quả. Tỉnh đang đặt mục tiêu đến cuối năm nay có khoảng 50% diện tích được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng.
Ngoài ra, để góp phần nâng cao giá trị của ngành hàng sầu riêng, tăng thu nhập cho người sản xuất và góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2030, Tiền Giang đã lập và đang triển khai Dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang năm 2022. Địa bàn triển khai tại 4 huyện, thị chuyên canh sầu riêng trọng điểm bao gồm Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và Thị xã Cai Lậy.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) đánh giá, với việc sầu riêng được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc vừa qua là điều kiện thuận lợi và cơ hội có một không hai cho cây trồng đặc sản nổi tiếng tỉnh Tiền Giang.
Ông cũng dự báo, nhờ những yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", giá sầu riêng tại địa phương ít nhất cũng giữ được giá cao như hiện nay trong niên vụ 2022 - 2023, nhà vườn an tâm đầu tư, thâm canh, chăm sóc nhằm nâng cao hiệu quả cây trồng kinh tế bậc nhất hiện nay ở Tiền Giang.
Bà con trong tỉnh đang phấn khởi kỳ vọng với những nỗ lực của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân nâng cao sức cạnh tranh của cây trồng đặc sản. Khi ấy, trái sầu riêng Tiền Giang chắc chắc sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường, thiết thực giúp nông dân những miền đất khó khăn trước đây làm giàu nhanh.