Ông Al-Faleh cho biết Saudi Arabia, Iraq và các nước vùng Vịnh thành viên của OPEC đã ủng hộ việc kéo dài này và có thể sẽ có thêm 2 hoặc 3 nước nữa cũng ủng hộ đề xuất này. Trên tinh thần đó, ông Al-Faleh lạc quan về việc thị trường dầu mỏ sẽ cân bằng trở lại từ nay đến quý I năm 2018.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Khalid al-Falih. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hồi tuần trước, Nga và Saudi Arabia đã cùng nhau kêu gọi các nước sản xuất dầu kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến ngày 31/3/2018. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố lạc quan về việc tiếp tục kéo dài thỏa thuận trên.
Trong khi đó, Algeria cũng ủng hộ kéo dài thỏa thuận thêm 9 tháng. Sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga Alexander Novak, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Noureddine Boutarfa tuyên bố hai nước đồng ý kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến tháng 3/2018. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết thành lập một ủy ban chuyên gia chịu trách nhiệm giám sát những diễn biến của thị trường dầu mỏ quốc tế để có thể đưa ra những quyết định phù hợp cho mọi hoàn cảnh.
Ông Boutarfa cho rằng các nước trong và ngoài OPEC cần tận dụng cuộc họp sắp tới tại Vienna (Áo) để tăng cường các quan điểm chung đối với những xu hướng của thị trường dầu mỏ thế giới. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã nhận được sự đồng thuận lớn.
Trong cuộc họp tới tại Vienna, các nước sẽ thảo luận để thu hút được nhiều quan điểm chung hơn. Bên cạnh đó, cuộc họp này cũng sẽ quyết định kéo dài hạn chế khai thác dầu thô đến hết năm 2017 hay ngừng việc cắt giảm sản lượng "vàng đen". Nhiều nước thành viên của OPEC như Saudi Arabia và Venezuela đã lên tiếng ủng hộ đề xuất kéo dài thỏa thuận này.
Về phần mình, Nga cũng đã đề cập đến việc kéo dài thỏa thuận trên, đồng thời kêu gọi tiếp tục những nỗ lực chung nhằm ổn định thị trường và hỗ trợ giá dầu.
Để ứng phó với tình trạng giá dầu thô thế giới giảm mạnh kể từ giữa năm 2014, các nước thành viên trong và ngoài OPEC đã ký một thỏa thuận vào cuối năm 2016 nhằm cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 1/2017. Cụ thể, các nước thành viên OPEC sẽ cắt giảm khai thác 1,2 triệu thùng/ngày, còn các nước ngoài OPEC, trong đó có Nga, cắt giảm 600.000 thùng/ngày.