Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên Trần Tùng Chuẩn cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 29 sản phẩm được bảo hộ sở trí tuệ, trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm "Nhãn lồng Hưng Yên"; 11 nhãn hiệu chứng nhận và 17 nhãn hiệu tập thể. Sen Hưng Yên là sản phẩm thứ 30 của tỉnh được bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Theo ông Trần Tùng Chuẩn, tiềm năng giá trị kinh tế từ cây sen mang lại rất lớn. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị nhãn hiệu chứng nhận của các sản phẩm từ cây sen, từ đó vận động các hộ sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ cây sen đăng ký sử dụng nhãn hiệu sản phẩm theo quy định; đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý, sử dụng tem, nhãn; quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ nhiệm dự án (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên) chia sẻ, tỉnh hiện có gần 100 ha trồng sen, phân bố rộng khắp các huyện, thị xã, thành phố; trong đó có nhiều mô hình trồng sen tập trung và trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.
Năm 2022, được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai nhiệm vụ “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sen Hưng Yên dùng cho các sản phẩm từ sen của tỉnh Hưng Yên”. Ngày 23/8/2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Sen Hưng Yên” gồm 7 sản phẩm là trà sen, trà tâm sen, hạt sen tươi, hạt sen khô, hạt sen sấy khô ăn liền, củ sen và hoa sen.
Để “Sen Hưng Yên” được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, các ngành chức năng đã điều tra, khảo sát hiện trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ sen; xây dựng mẫu biểu tượng nhãn hiệu; xác định các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sen Hưng Yên; thu thập, lấy mẫu phân tích hàm lượng một số chất trong các sản phẩm từ sen...