Anh Nguyễn Thành Đông, một chủ thầu đang thi công nhà ở khu phố 6 phường Tân Hưng Thuận (quận 12, TP Hồ Chí Minh) than thở: “Lúc nhận thi công ngôi nhà này, tôi tính giá cát chỉ ở mức 280.000 đồng/m3 bây giờ giá cát đã tăng lên 640.000 đồng/m3. Hiện giá cát vẫn chưa có dấu hiệu ngừng tăng khi mới tuần trước tôi đổ một xe 5 m3 với giá 620.000 đồng/m3 thì tuần này đã lên 640.000 đồng/m3. Tôi đang thương lượng lại với chủ nhà, nếu chủ nhà không đồng ý thì chắc lỗ nặng”.
Không chỉ anh Đông, nhiều nhà thầu xây dựng hiện đang đứng ngồi không yên trước sức “nóng” của giá cát. Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, hầu hết các tỉnh thành phía Nam đều đang “sốt” cát xây dựng, bởi nhu cầu xây lấp hiện nay là rất lớn và mùa này cũng là mùa xây dựng.
Giá cát xây dựng tăng do nguồn khai thác bị siết chặt khiến các nhà thầu xây dựng lo lắng. |
Theo đó, tại Đồng Tháp, giá cát san lấp trước đây là 40.000 đồng/m3 nay lên tới 120.000 - 250.000 đồng/m3. Giá cát xây từ 80.000 đồng/m3 hiện là 250.000 - 280.000 đồng/m3. Dù giá cát tăng nhưng để mua số lượng lớn phải chờ 5 -10 ngày mới được giao. Còn tại An Giang, giá cát cũng đã tăng 200 đến 300% so với thời điểm đầu năm nay.
Trong khi đó, sau khi siết chặt việc khai thác, nạo vét cát trên sông Đồng Nai, giá cát ở Đồng Nai liên tục tăng, hiện đã cao gấp 3 lần so với thời điểm tháng 3/2017. Theo đó, các bãi kinh doanh cát dọc sông Đồng Nai (thuộc địa bàn thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu), giá cát chất lượng thấp là 300.000 đồng/m3, với loại cát đẹp phục vụ việc đổ bê tông, tô trét nhà dao động từ 580.000 – 600.000 đồng/m3.
Ông Nguyễn Văn Nam, chủ một bãi cát thuộc xã Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa) cho biết: "Cát chúng tôi kinh doanh lấy ở các tỉnh miền Tây, từ tháng 3/2017 đến nay, giá cát tăng từng ngày. Như loại cát chất lượng thấp, tháng 3 chỉ có 100.000 đồng/m3, nay đã tăng gấp 3 lần. Cát chất lượng thấp dù giá cao song vẫn dễ nhập về, còn đối với cát dùng để tô trét nhà, bên cạnh giá tăng, việc nhập hàng vô cùng khó khăn do nguồn cung hạn chế”.
Giá cát tăng mạnh đã khiến nhiều công trình đội giá mạnh. Theo Giám đốc Công ty cổ phần BOT Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận Phan Anh Dũng, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cần hơn 6 triệu khối cát san lấp, nhưng với mức độ tăng giá cát như hiện nay đã làm đội vốn hơn 600 tỷ đồng.
Trước tình trạng cát khan hiếm, các địa phương cũng đã tìm mọi cách để kiểm soát thị trường. Theo đó, vừa qua Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng đã chỉ đạo ưu tiên cung cấp cát cho các dự án, công trình xây dựng trọng điểm như cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và các công trình xây dựng đường nông thôn, các công trình công cộng, xây dựng trường học, bệnh viện.
Còn tại tỉnh Tây Ninh, sau khi UBND tỉnh Tây Ninh tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với 11 đơn vị được tỉnh cấp phép khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng cũng đã cho phép 8 doanh nghiệp được hoạt động trở lại để giảm bớt căng thẳng về nhu cầu cát xây dựng, ổn định giá cả thị trường.
Theo lãnh đạo Cục quản lý xây dựng (Bộ Xây dựng) hiện tại các địa phương cấp phép khai thác cát chỉ đạt 45% nhu cầu sử dụng, 55% còn lại là “cát tặc”. Hiện các địa phương đang siết chặt cấp phép, đồng thời truy quét “cát tặc” khiến nguồn cung giảm trong khi cầu vẫn cao đã dẫn đến khủng hoảng thiếu.