Siết chặt việc nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ

Theo quy định mới của Bộ Công Thương, kể từ ngày 1/6, các mặt hàng “nóng” như: Điện thoại di động, mỹ phẩm, rượu ngoại nói chung, đặc biệt là ô tô nhập khẩu (từ ngày 26/6) sẽ nằm trong diện kiểm soát chặt với các biện pháp cụ thể. Đây là biện pháp mạnh của Bộ Công Thương nhằm khống chế nhập siêu, gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chờ hướng dẫn thêm

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, các biện pháp thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát trong thời gian qua vẫn chưa đủ, còn nặng về hành chính và cần có biện pháp kiên quyết hơn.

Vì vậy tháng 5/2011, Bộ Công Thương đã liên tiếp ra các văn bản để giảm nhập siêu. Đặc biệt, Thông tư số 20/2011/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 26/6 về quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống đã gây “chấn động” trong giới nhập khẩu ô tô. Trước đó, Bộ Công Thương cũng ra Thông báo số 197/TB-BCT kể từ ngày 1/6, điện thoại di động, mỹ phẩm và rượu ngoại sẽ chỉ được phép nhập khẩu về Việt Nam qua 3 cảng biển lớn là: Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) thay vì qua cả đường hàng không và đường bộ như hiện tại.

Việc nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi sẽ được siết chặt. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN


Theo văn bản số 20 của Bộ Công Thương, các DN nhập khẩu ô tô loại dưới 9 chỗ ngồi khi làm thủ tục nhập khẩu phải có thêm giấy chỉ định, giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất. Các loại giấy tờ này phải được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài hợp pháp hóa theo quy định. Nếu là bản sao phải có đóng dấu xác nhận. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xuất trình được giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cấp, mới được phép đưa xe về thị trường lưu hành.

Trao đổi với Tin Tức chiều 20/5, một "dân lái" chuyên nhập khẩu các dòng xe ô tô Toyota, BMV, Mercedes từ Mỹ cho biết: Mấy ngày qua, giới kinh doanh ô tô nhập khẩu từ TP.HCM ra Hà Nội rất nhiều để bàn cách tháo gỡ. Ai cũng đặt câu hỏi làm thế nào để có thêm “giấy phép con”. Kết quả là, mọi người đều vô vọng!

Phần lớn giới kinh doanh xe ô tô nhập khẩu nhỏ, lẻ cho rằng: Chỉ có các đại lý chính hãng của 11 liên doanh ô tô ở Việt Nam hiện nay mới có được giấy ủy quyền chính hãng hoặc hợp đồng đại lý. Các salon ô tô nhỏ lẻ khó có thể có được các loại giấy tờ này.

Thông tư 20 được xem là “đóng cửa” đối với các salon ô tô nhập khẩu nhỏ, lẻ nhưng một số ý kiến đều đồng tình rằng: Đây là một trong những chính sách điều hành xuất nhập khẩu nhằm giảm nhập siêu, bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả và hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế. Tại một số nước trên thế giới, họ đã quản lý khắt khe việc nhập khẩu ô tô từ lâu.

Chống gian lận thương mại

Thông báo số 197/TB-BCT của Bộ Công Thương cũng đặt ra nhiều điều kiện nhằm “siết” thủ tục nhập khẩu điện thoại di động như: DN phải xuất trình thêm giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà phân phối, nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng. Ngoài ra, các giấy tờ nói trên còn phải được cơ quan đại điện Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa theo quy định của pháp luật. Động thái này được lý giải là nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống việc nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng và tăng cường chống gian lận thương mại.

Đề cập tới vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tú- Trưởng phòng Kinh doanh Công ty VinaPhone cho biết: Hiện công ty đã liên lạc với Hãng Apple (Mỹ) để cùng tháo gỡ, tìm giải pháp phù hợp nhất cho việc nhập khẩu. Theo nhà mạng này, mỗi đợt hàng iPhone 3Gs hay iPhone 4 được VinaPhone nhập về Việt Nam cũng chỉ vài trăm chiếc. Số lượng như thế thì không đủ một container để vận chuyển đường biển theo quy định mới của Bộ Công Thương. Đây cũng là điều khiến DN đang phải suy tính để tìm giải pháp cho phù hợp nhất.

Đại diện một DN phân phối điện thoại có thương hiệu cho biết thêm: Điện thoại di động là mặt hàng cần có sự bảo quản đặc biệt. Do vậy, nếu nhập qua đường biển sẽ rủi ro cao như gặp bão biển, nhiễm mặn... rất khó đảm bảo về chất lượng so với việc qua đường bộ hoặc đường không. Vì vậy, các quy định này cần được cân nhắc thêm.

Theo nhà mạng Viettel, việc lô hàng phải “lênh đênh” trên biển nhiều tháng trời, chưa kể thời gian hàng phải nằm tại cảng để hoàn tất thủ tục thông quan… sẽ khiến hàng chính ngạch với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm chậm đến tay người tiêu dùng.

Minh Phương


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN