Siêu thị dự trữ hàng tăng khoảng 3-5 lần, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua tích trữ

Các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đã tăng mức dự trữ hàng hóa lên từ 3-5 lần, nguồn cung hàng hóa dồi dào. Ghi nhận sáng 24/7, ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội không có tình trạng người dân đổ xô đi mua tích trữ.

Hàng hóa đầy ắp, người dân bình tĩnh mua sắm

Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại một số siêu thị như Vinmart, Mega Market, Big C… trên địa bàn Hà Nội sáng 24/7, hàng hóa, thịt, rau xanh đầy ắp kệ. Người dân Thủ đô cũng bĩnh tĩnh mua sắm các loại hàng hoá thiết yếu cho gia đình. 

Chú thích ảnh
Rau củ đầy ắp kệ hàng.

Tại siêu thị Vinmart tại Khu đô thị Gamuda Gardens (Trần Phú, Hoàng Mai, Hà Nội) sáng 24/7 lượng người dân đến mua sắm có đông hơn bình thường, song không xảy ra tình trạng khách hàng chen lấn tích trữ hàng hóa. 

Theo chị Nguyễn Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội), đêm 23/7 khi biết tin Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, chị không cảm thấy hoang mang bởi thông thường nguồn cung cho Thủ đô khá dồi dào.

“Sáng 24/7, tôi lên sẵn danh sách một số loại thực phẩm như thịt lợn, cá, tôm đông lạnh và một số rau quả, đồ khô cần mua và đi siêu thị Vinmart. Tôi cũng chỉ mua lượng đồ ăn cho gia đình khoảng 3-5 ngày để hạn chế đi lại nhiều chứ không phải vì lo siêu thị hết hàng”, chị Hoa nói.

Chú thích ảnh
Siêu thị Vinmart tại Khu đô thị Gamuda Gardens hàng hóa dồi dào.

Tương tự, tại siêu thị Go! Market (Nguyễn Xiển, Thanh Trì, Hà Nội), Mega Market Hoàng Mai sáng 24/7 cũng ghi nhận hàng hoá khá dồi dào, không có cảnh người dân đổ xô mua sắm.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty VinCommerce cho biết cho biết, tại Hà Nội, VinCommerce có 41 siêu thị VinMart và hơn 800 cửa hàng VinMart đều được tăng lượng cung ứng gấp 3 đối với hàng thực phẩm thiết yếu; trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần. Các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây... cũng nhiều hơn và đảm bảo hàng trên quầy kệ không bị trống. 

Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bán lẻ BRG (BRG Retail) cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Công ty TNHH bán lẻ BRG (BRG Retail) đã chủ động xây dựng phương án bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu với mức giá không thay đổi tại hệ thống 77 siêu thị, Minimart thuộc BRGMart tại các tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh phía Nam như: Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm góp phần phòng chống dịch, tham gia bình ổn tâm lý và giá cả trên thị trường.

Bên cạnh một số mặt hàng thiết yếu do chính các công ty thành viên Tập đoàn BRG sản xuất như: gạo Hapro Đồng Tháp, khẩu trang vải kháng khuẩn Hafasco…; Công ty BRG Retail đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300% và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm. Trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm 13 mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá bao gồm: gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, bún mỳ phở ăn liền, dầu ăn, gia vị, rau củ quả…

Chú thích ảnh
Hải sản tươi sống đa dạng, phong phú.

Ngoài đồ tươi sống bổ sung hàng ngày, hệ thống siêu thị BRG Retail cũng trực tiếp nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam các loại táo từ New Zealand – Mỹ, thịt bò Mỹ, thịt lợn, thịt gà Mỹ... Hiện nay hệ thống siêu thị này đang có chương trình ưu đãi cho thịt lợn Mỹ với giá ưu đãi, thịt lợn thăn có giá 109.000 đồng/kg, sườn có giá  109.000 đồng/kg, ba chỉ có giá 99.000 đồng/kg…

Còn hệ thống siêu thị Big C (thuộc tập đoàn Central Retail), đã tăng cường lượng lớn hàng hoá dự trữ, sẵn sàng cho nhu cầu tăng cao của khách hàng. Theo đó, hàng thực phẩm khô dự trữ tăng 30 - 50% với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao. Hàng tươi sống có số lượng tăng lên 200 - 300% so với thông thường.

Đẩy mạnh phương thức bán hàng online mùa dịch

Bên cạnh kênh mua hàng trực tiếp, các doanh nghiệp bán lẻ đều đẩy mạnh phương thức bán hàng online để phục vụ nhu cầu của người dân. Theo đó, hệ thống siêu thị, Minimart thuộc BRGMART tiếp tục phát triển và đẩy mạnh các kênh mua sắm trực tuyến để phục vụ khách hàng như: Đặt hàng qua App BRG Shopping, Hotline, Fanpage… và dịch vụ giao hàng tại nhà áp dụng tại khu vực phía Bắc. 

Còn hệ thống siêu thị Big C ngoài việc mở cửa cho mọi người đến mua sắm trực tiếp, Big C còn tăng cường kênh bán hàng trực tuyến như: Ứng dụng GO! & Big C; Hotline mua hàng 1900 1880 - Zalo shop - Grab mart - Now 2.

VinMart/VinMart+ cũng linh động xây dựng các phương án giao hàng tiện lợi nhanh chóng cho khách hàng như: Dịch vụ “Đi chợ hộ” thông qua danh sách số điện thoại của từng siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+trên toàn quốc, đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tử như VinID, Now, Lazada... hay đặt hàng online trên website https://vinmart.com, khách hàng có thể thanh toán online và chỉ việc nhận hàng, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt.

Chú thích ảnh
Siêu thị làm vách ngăn tại quầy thanh toán để phòng dịch.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hàng hóa hiện đang rất dồi dào, các hệ thống phân phối đều tăng nguồn hàng, tăng cường nguồn nhân lực để phục vụ người tiêu dùng. Người dân cũng rất bình tĩnh, không có tình trạng đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Hiện Hà Nội cũng chưa có tình trạng găm hàng, giữ giá đối với những mặt hàng thiết yếu.

Tuy nhiên, TP Hà Nội vẫn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cùng với Sở Công Thương và các lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên túc trực kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch cũng như chương trình bình ổn giá.

Bên cạnh việc xây dựng phương án 3 cấp độ để đảm bảo nguồn cung hàng bình thường như 6 tháng đầu năm 2021 với số lượng dự trữ tăng 3 lần bình thường, hiện Sở cũng đề nghị hệ thống phân phối tăng thêm nguồn hàng.

Hà Nội cũng huy động tổng lực, sẵn sàng xe vận chuyển xuyên đêm để đưa hàng vào thành phố, cũng như tăng giờ bán. Thành phố cũng sẵn sàng kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động để các đơn vị phân phối và hộ kinh doanh trong chợ có thể bán hàng lưu động phục vụ nhân dân.

Cùng đó, Hà Nội cũng chỉ đạo các lực lượng như công an, quân đội, đoàn thanh niên sẵn sàng chi viện lực lượng cho các hệ thống phân phối để đảm bảo vừa giãn cách chống dịch khi mua sắm, vừa đảm bảo cung ứng hàng hóa đến người dân, đặc biệt là khu vực bị cách ly phong tỏa.

Chú thích ảnh
Bài, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức
Hà Nội lên phương án đảm bảo điện cho cả tình huống xấu nhất
Hà Nội lên phương án đảm bảo điện cho cả tình huống xấu nhất

Ngay sau khi Chỉ thị số 17/CT-UBND do Chủ tịch UBND thành phố ban hành về việc thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn thành phố trong vòng 15 ngày (kể từ 6 giờ ngày 24/7), để phòng, chống dịch COVID-19, EVNHANOI đã ngay lập tức xây dựng kịch bản để đảm bảo điện an toàn, liên tục cho địa bàn Thủ đô ngay cả trong tình huống xấu nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN