Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu thông tin, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn đạt kết quả khá trên tất cả lĩnh vực. Đặc biệt, tỉnh đã khởi công Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Sóc Trăng nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện môi trường kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện; trong đó, chỉ số năng lực cạnh tranh tăng từ hạng 54 lên 34 (đứng thứ 7 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), tăng 4 bậc so với cùng kỳ năm 2022, chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tăng từ hạng 51 lên 24 (đứng thứ 3 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), tăng 6 bậc so với cùng kỳ năm 2022.
Tại buổi họp mặt, các doanh nghiệp đã trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và đề xuất, kiến nghị với tỉnh các vấn đề như: chủ trương đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, trình tự, thủ tục cho thuê đất, khó khăn về xuất khẩu nông sản, thuỷ hải sản, các chính sách về khuyến công…
Ông Võ Văn Kháng, chủ doanh nghiệp tư nhân ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) kiến nghị, tỉnh cần quan tâm hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng sản xuất lúa cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ở một số thị trường nước ngoài. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm địa phương và cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ để xuất khẩu các mặt hàng lúa, gạo sang thị trường “khó tính”…
Cùng đó, ông Đặng Văn Khoa - chủ doanh nghiệp huyện Kế Sách (Sóc Trăng) kiến nghị, tỉnh cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để phục vụ cho doanh nghiệp lưu thông vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, ngành chức năng cần hỗ trợ cho doanh nghiệp trình tự thủ tục về thuê đất để phát triển sản xuất.
Cũng tại buổi họp mặt, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cùng đại diện các sở, ngành lần lượt ghi nhận và trả lời thỏa đáng các ý kiến của doanh nghiệp và nhận được sự đồng tình.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn thông tin, tỉnh đã tập trung chỉ đạo kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội địa phương có chuyển biến tích cực như: dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng hơn 40% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu đạt gần 720 triệu USD, giải quyết việc làm cho trên 14.000 lao động, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đạt hơn 36%. Tỉnh uỷ, UBND tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư dự án và có trên 67 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, với vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng.
Ông Lâm Văn Mẫn đề nghị UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp; tích cực giải quyết và thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh.
Ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu đặc trưng của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu, sản phẩm và các chuỗi cung ứng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về thị trường cho doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh yêu cầu tăng cường nghiên cứu, mạnh dạn ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; nâng cao khả năng quản trị và có tầm nhìn chiến lược trong sản xuất kinh doanh.
Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh cần tiếp tục phát huy tốt vai trò là tổ chức đại diện và là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước; kịp thời đề xuất giải pháp giải quyết những khó khăn, đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng.