Thu lợi hàng nghìn tỷ
Nhiều năm qua, Công ty DAP-Vinachem đã xây dựng và thực hiện các phương án vận hành sử dụng năng lượng tiết kiệm, giúp tiết giảm chi phí tại doanh nghiệp. Công ty DAP có 1 máy phát điện chạy bằng tuabin hơi nước, công suất thiết kế 12 MW, nguồn nhiệt để sinh hơi được tận dụng từ nồi hơi thu nhiệt thừa của quá trình phản ứng hóa học. Với nhà máy này, Công ty đã chủ động được 70-80% nhu cầu tiêu thụ điện, phần còn lại mua từ lưới điện. Tại một số thời điểm cụ thể, có thể tách lưới, công ty tự cân đối được điện cho sản xuất ở mức phụ tải thấp.
Cùng với các giải pháp tăng công suất phát điện và tiết giảm phụ tải trong giờ cao điểm, những ngày cao điểm nắng nóng, Công ty DAP đã chủ động giảm tiêu thụ mỗi ngày 30.000 - 40.000 kWh; trong đó trọng tâm giảm tiêu thụ vào giờ cao điểm hàng ngày.
Toàn bộ khu vực nhà máy điện được vận hành lò hơi và máy phát điện tuabin hơi để điều chỉnh giữ cân bằng hệ thống công nghệ, trên cơ sở ưu tiên cung cấp đủ hơi nước cho nhu cầu vận hành các nhà máy, tận dụng năng lượng hơi dư để sản xuất điện, giảm điện nhận lưới vào khung giờ cao điểm.
Cũng tại 2 đơn vị sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát, công nghệ thu hồi nhiệt, khí dư để phát điện trong quá trình sản xuất gang thép được tận dụng triệt để. Chỉ trong nửa năm 2023, tập đoàn này đã tiết kiệm hơn 1.600 tỷ đồng từ giải pháp này.
Theo Tập đoàn Hòa Phát, tổng lượng phát điện của các nhà máy nhiệt điện thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Dung Quất và Hải Dương đạt gần 1 tỷ kWh, giúp Hòa Phát tự chủ khoảng 70% lượng điện sản xuất thép.
Ông Hoàng Ngọc Phượng, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện, Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, ngoài sử dụng nhiệt dư trong luyện coke để phát điện, Nhà máy còn tận dụng khí than dư thừa trong luyện gang, thép làm nhiên liệu cho nồi hơi để phát điện. Công nghệ sản xuất điện năng này đã góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng phát thải CO2 so với loại hình phát điện nhiệt than có công suất tương đương.
Trong giai đoạn 2 của dự án Hòa Phát Dung Quất, Công ty tiếp tục đầu tư 5 tổ máy phát điện nhiệt dư với công suất mỗi tổ máy là 60 MW, nâng tổng công suất phát điện chủ động của toàn khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất lên 660 MW, sản lượng điện hàng năm ước đạt hơn 5 tỷ kWh.
Có thể nhận thấy, tiềm năng và lợi ích to lớn của tiết kiệm điện, thu hồi lượng nhiệt khí dư, cũng như chất thải để tái sử dụng. Song, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện, bởi vấn đề nằm ở chi phí. Nhận thức trong tiết kiệm điện chỉ là yếu tố cần, điều kiện đủ là phải có nguồn vốn để đầu tư và các chính sách hỗ trợ một cách đồng bộ.
Nguồn lực ở đâu?
Theo chia sẻ của ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trên thực tế, để doanh nghiệp đầu tư vào tiết kiệm năng lượng thì nguồn vốn đầu tiên được tính đến chính là nguồn lực tự có của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư các giải pháp công nghệ, mong muốn thay thế thiết bị hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng… nhưng nguồn lực lại rất hạn chế.
“Các doanh nghiệp hiện nay khi đưa các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào cũng có khá nhiều vướng mắc. Mặc dù họ biết được các lợi ích mang lại, nhưng một trong những vướng mắc cơ bản là đầu tư. Bây giờ làm sao để các doanh nghiệp có đủ nguồn lực, đủ vốn, tiền để đầu tư, nâng cấp, thay đổi dây chuyền công nghệ để đưa vào các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm tốt hơn, hiệu quả mang lại cao hơn… Nhiều doanh nghiệp do điều kiện tài chính khó khăn, dù có quan tâm về mặt nhận thức, về việc thay đổi... nhưng để thực hiện còn rất hạn chế…”, ông Trần Viết Nguyên nói.
Dệt may là một trong những ngành đang đẩy mạnh quá trình xanh hóa, chuyển đổi năng lượng để ứng phó với các tiêu chuẩn nhập khẩu từ châu Âu. Nhiều doanh nghiệp trong ngành này đã sẵn sàng cho lắp đặt điện mặt trời mái nhà, thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện…
Song ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, một trong những vấn đề vướng nhất khi chuyển đổi xanh của doanh nghiệp là về tài chính, bởi liên quan đến xanh hóa thì nhu cầu về vốn rất lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực về tài chính để thực hiện vấn đề này, nhất là 80% doanh nghiệp dệt may là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không chỉ vậy, khi đầu tư cho xanh hóa, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ tăng đáng kể.
Theo tính toán, chỉ riêng việc sử dụng nguyên liệu xanh giá đầu vào cao hơn 300% so với sản phẩm truyền thống, hay sử dụng nồi hơi điện chi phí sản xuất tăng lên 15-18%. Đây cũng là lực cản đáng kể cho doanh nghiệp dệt may bước tiếp trên con đường xanh hóa, tiết kiệm năng lượng…
Theo ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới, việc đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp nói chung còn chưa tương xứng với lợi ích mà đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng mang lại.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ hiện trạng thiếu vốn cho chuyển đổi công nghệ. Việc áp dụng một phần hay đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng, chẳng hạn như: Lắp đặt các thiết bị, hệ thống tiêu thụ năng lượng hiệu suất cao, thu hồi nhiệt thải, tích hợp năng lượng tái tạo… đều cần một nguồn vốn lớn. Tuy nhiên việc tiếp cận các nguồn tài chính cho đầu tư là một thách thức đổi với đa số các doanh nghiệp trong nước.
Để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp, ông Chu Bá Thi cho rằng, Nhà nước cần có những khuyến khích ưu đãi về tài chính, những chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ hơn.
Ngoài yếu tố tài chính, yếu tố nhận thức rủi ro khi đầu tư trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng cũng là một rào cản khiến đầu tư tiết kiệm năng lượng ít khi nằm trong danh mục ưu tiên của doanh nghiệp. Đây cũng là nút thắt cần tháo gỡ.
Bài cuối: Doanh nghiệp “ngóng” cơ chế