Bên cạnh đó, nguồn vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ được coi là vốn mồi để thu hút các nguồn lực khác từ bên ngoài cùng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hơn nữa của Quỹ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa về cho vay trực tiếp, bên cạnh việc đã triển khai tốt hoạt động ủy thác, cho vay gián tiếp thông qua các ngân hàng thương mại. Qua đó, sẽ giúp đa dạng thêm các kênh tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với mục tiêu giải quyết bài toán khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ với số vốn điều lệ 2 nghìn tỷ đồng nhằm triển khai hiệu quả các chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; trong đó, một trong các nhiệm vụ Chính phủ đề ra là đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Từ tháng 6/2020, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã công bố giảm lãi suất cho vay về mức 2,16% đối với cho vay ngắn hạn và 4% đối với cho vay trung, dài hạn.
Có thể nói, đây là mức lãi suất hỗ trợ rất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển. Qua đó khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy tối đa tiềm năng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, cần phải có hiểu biết sâu rộng về hệ sinh thái tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam và vai trò chiến lược mà một kênh cho vay mới có thể đáp ững để tăng cường nguồn vốn nội địa hiện có. Nguồn vốn này bao gồm từ cả khối công và tư để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, cần tạo lập cơ chế cho vay mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững để tháo gỡ những rào cản tín dụng mà doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải.
Cùng với đó, Quỹ nên tập trung vào sự phát triển và phục hồi xanh. Làm rõ các nhóm đối tượng cũng như tiêu chí để đảm bảo các mô hình kinh doanh và sản phẩm xanh; xây dựng một nền kinh tế xanh mang đến cơ hội quan trọng cho những doanh nghiệp tiếp cận nền tài chính xanh. Quỹ có những hướng dẫn và tiêu chí hoạt động chi tiết và minh bạch để tiếp thêm sự tự tin cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98,1% trong tổng số hơn 800 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. doanh nghiệp nhỏ và vừa là nơi tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, tham gia huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo…
Hằng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo ra trên 1 triệu lao động mới; sử dụng khoảng 5 triệu lao động toàn xã hội, đóng góp khoảng 45% GDP cho cả nước, 31% tổng thu ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nhiều quốc gia trên thế giới luôn được đánh giá rất cao. Số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số trong tổng cơ cấu các doanh nghiệp, thông thường tỷ lệ này từ 90% - 98%. Bên cạnh đó, cộng đồng này còn là chủ thể của các phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự hòa nhập của nền kinh tế, tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đến nay, Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư và tiếp tục nhận được các dòng tài chính quốc tế. Trong bối cảnh COVID-19, sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng, bao gồm một hỗn hợp tài chính khỏe mạnh từ trong và ngoài nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển tiềm năng mạnh mẽ cho sự tăng trưởng năng động và bền vững tại Việt Nam.