Tổng Giám đốc ngân hàng Standard Chartered, Peter Sands, đã bác bỏ cáo buộc đã rửa tiền tới 250 tỷ USD cho Iran, với khẳng định ngân hàng này không nỗ lực một cách có hệ thống để lách các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Ông Sands thừa nhận một số giao dịch của Standard Chartered đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng số tiền có trị giá khoảng 14 triệu USD và chỉ liên quan tới 300 giao dịch. Ông Sands nói Standard Chartered tin rằng không có căn cứ nào cho hành động rửa tiền như đã bị cáo buộc và bày tỏ sự ngạc nhiên đối với cách công bố cáo buộc khi ngân hàng này đã không được thông báo.
Bất chấp con số mà ông Sands đưa ra, giá cổ phiếu của Standard Chartered vẫn giảm 15% so với mức trước khi ngân hàng này bị cáo buộc rửa tiền. 10 nhà đầu tư lớn nhất của ngân hàng này thuộc các định chế cho rằng dù con số chỉ là 14 triệu USD thì đó vẫn là một sự vi phạm đáng bị khiển trách và là lý do vì sao giá cổ phiếu vẫn giảm.
Standard Chartered có thể đối mặt với việc phải chịu mức phạt lớn và thậm chí là bị tước giấy phép hoạt động - một sự trừng phạt có thể làm tê liệt hoạt động của ngân hàng này tại Mỹ và khiến định chế này bị đẩy xuống hạng hai trong hệ thống ngân hàng toàn cầu. Bên cạnh đó, hãng xếp hạng Fitch Ratings nói cáo buộc có thể gây bất lợi cho mức xếp hạng tín nhiệm AA- của Standard Chartered.
Trong thư của Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ gửi Bộ Tài chính Anh, Tổng Giám đốc Adam Szubin cho biết văn phòng này đang điều tra cáo buộc về vi phạm của Standard Chartered liên quan đến giao dịch với Iran và một loạt các giao dịch khác có khả năng cũng bị vi phạm.
Ngày 6/8, Cơ quan dịch vụ tài chính Niu Yoóc (DFS) lên tiếng cáo buộc chi nhánh Standard Chartered tại Mỹ đã rửa số tiền tới 250 tỷ USD cho Iran trong vòng gần một thập niên. DFS nói Standard Chartered đã che giấu 60.000 giao dịch bí mật cho các định chế tài chính của Iran bị Mỹ khống chế bằng chế tài kinh tế. Sau cáo buộc của DFS, Standard Chartered mất hơn 1/4 giá trị thị trường, tương đương 17 tỷ USD, vào ngày 7/8.
DFS cho biết cuộc điều tra kéo dài 9 tháng, thông qua việc rà soát hơn 30.000 trang tài liệu, trong đó có cả email nội bộ của Standard Chartered. Theo điều tra, ngân hàng này đã kiếm được hàng trăm triệu USD phí giao dịch. DFS nói cũng đã phát hiện bằng chứng liên quan tới những kế hoạch kinh doanh tương tự với các nước khác bị trừng phạt như Libi, Mianma và Xuđăng. DFS cho biết cuộc điều tra thêm về các vấn đề này đang được tiếp tục.
Có dự đoán cho rằng Standard Chartered có thể sẽ kiện DFS vì đã làm tổn hại đến danh tiếng của mình và việc giá cổ phiếu giảm đang gây nguy cơ lỗ cho chi nhánh tại Mỹ. Tuy nhiên, các luật sư cho rằng ngân hàng này cần hành động thận trọng bởi thực tế cho thấy sẽ vô cùng khó khăn để có thể giành chiến thằng trong các vụ kiện các nhà chức trách Mỹ. Thay vì thế, giải pháp Standard Chartered nên chọn là dàn xếp vụ lùm xùm này.
Standard Chartered có trụ sở chính tại Luân Đôn và hiện có 1.700 văn phòng tại 70 nước và vùng lãnh thổ. Hai phần ba lợi nhuận hoạt động của ngân hàng này năm ngoái là ở châu Á, trong khi chỉ 10% là từ châu Mỹ và châu Âu. Ngân hàng có lợi nhuận trước thuế vào năm 2011 là 6,8 tỷ USD.
Lê Minh (Theo Đài BBC, Reuters)