Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, hiện nay, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, đi cùng với đó tội phạm công nghệ cao, tin tặc cũng ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Có thể nhận thấy, trong thời gian gần đây diễn ra rất nhiều vụ lừa đảo qua mạng, hoặc tống tiền.
Do vậy, nhà đầu tư cũng cần phải tự bảo vệ mình, bằng cách lựa chọn các công ty chứng khoán uy tín có tiềm lực tài chính mạnh và nên mở nhiều hơn 1 tài khoản chứng khoán. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro khi 1 công ty bị trục trặc kỹ thuật, không giao dịch được, nhà đầu tư có thể giao dịch tại tài khoản chứng khoán của công ty chứng khoán còn lại.
Về phía cơ quan quản lý cũng phải xây dựng ra khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Ngay từ khi VAFI ra đời, đơn vị đã kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép thành lập 1 công ty để quản lý quỹ đền bù cho nhà đầu tư. Tiền để đền bù này không phải do nhà đầu tư thua lỗ mà là trả cho những rủi ro khách quan gây ra.
Cũng giống như trong lĩnh vực ngân hàng có định chế là bảo hiểm tiền gửi thì trong chứng khoán cũng có một định chế như thế. Tất nhiên, nhà đầu tư chứng khoán kinh doanh thua lỗ thì phải tự chịu trách nhiệm, nhưng có những rủi ro khách quan, chẳng hạn như trong quá trình giao dịch bị mất tiền hoặc gặp lỗi do hacker thì công ty sẽ đứng ra đền bù. Việc đền bù sẽ thực hiện trong một khuôn khổ nào đó.
Thực tế, những nước có thị trường chứng khoán phát triển từ trung bình cho đến cao cấp, ví dụ như Thái Lan, Singapore, Mỹ hầu như có quy chế này.
"Việc kiến nghị của VAFI đã diễn từ nhiều năm trước, nhưng đến hiện nay tại Việt Nam chưa có khung khổ pháp lý về việc đền bù khi gặp rủi ro như trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản tại VNDirect, ông Hải nói.
Theo Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải, việc thành lập quỹ đền bù rủi ro này có thể được thực hiện bằng cách trích phí môi giới, cũng là tiền từ nhà đầu tư. Tài khoản của quỹ sẽ lớn dần theo thời gian. Ở các nước, các định chế này (các tổ chức được thành lập và hoạt động trong một lĩnh vực nhất định của nền kinh tế) có vốn lên tới 5 – 10 tỷ USD. Do đó, những rủi ro khách quan gây ra cho nhà đầu tư sẽ được đền bù. Đây là thông lệ của thế giới, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong tiến trình nâng hạng thì nên xem xét vấn đề này.
“Theo tôi nghiên cứu, quỹ này cũng ít phải đền bù cho nhà đầu tư nếu thị trường thuận buồm xuôi gió, nhưng nếu xảy ra trục trặc khách quan, nhà đầu tư sẽ được bảo hiểm”, ông Hải chia sẻ.
Liên quan đến vụ việc của VNDirect, đến gần 13 giờ chiều nay 27/3, công ty vẫn chưa thể khôi phục được nền tảng giao dịch. Trên website của công ty hiện dòng chữ: “VNDirect xin thông báo: Hệ thống VNDirect hiện đang trong quá trình khắc phục và kết nối trở lại. Toàn bộ thông tin và tài sản của Khách hàng đều được đảm bảo trạng thái an toàn, không bị ảnh hưởng. Sự cố chỉ gây ảnh hưởng đến việc giao dịch hiện tại của Quý khách hàng. Chúng tôi đang tiến hành kết nối lại hệ thống, do dữ liệu quá lớn nên mất nhiều thời gian hơn dự kiến”.
Như vậy, hôm nay đã là phiên thứ 3 liên tiếp nhà đầu tư mở tài khoản chứng khoán tại VNDirect không thể tham gia giao dịch.
Trước đó vào ngày ngày 25/3/2024, VNDirect có thông tin chính thức về sự cố hệ thống giao dịch trực tuyến của VNDirect.
Theo đó, sáng 24/3/2024, toàn bộ hệ thống của VNDirect bị tấn công bởi một tổ chức quốc tế dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch của VNDirect bị tạm thời không truy cập được. Đội ngũ công nghệ của VNDirect đã nỗ lực hết sức để khôi phục nhưng do hạ tầng dữ liệu rất lớn nên sẽ cần thêm thời gian để kết nối. Như vậy đến hôm nay đã là ngày thứ 4 công ty chứng khoán này vẫn chưa thể khắc phục được sự cố.
Đến sáng 27/3, VNDirect cho biết đang tiến hành rà soát, đánh giá hệ thống để đảm bảo tuyệt đối về an toàn, an ninh cho khách hàng giao dịch của công ty.
Công ty sẽ triển khai lộ trỉnh mở lại hệ thống theo từng giai đoạn. Cụ thể gồm: Giai đoạn 1 – hệ thống tra cứu được trạng thái và thông tin tài khoản khách hàng trên My Account. Giai đoạn 2 – mở lại hệ thống giao dịch tiền, giao dịch chứng khoán và phái sinh trên cơ sở thông sàn với Sở giao dịch. Giai đoạn 3 – các sản phẩm tài chính khác đi vào hoạt động trở lại. Giai đoạn 4 – toàn bộ các tính năng khác.
Hiện tại VNDirect đã hoàn thành Giai đoạn 1. Nhà đầu tư có thể tra cứu số dư trên hệ thống My Account tại địa chỉ: https://myaccount.vndirect.com.vn/bao-cao/bao-cao-tai-san/tong-quan-tai-san
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên VNDirect gặp sự cố về nền tảng giao dịch, nhưng lần này có vẻ như rất nghiêm trọng khi trong thời gian dài công ty vẫn chưa khắc phục được.
Trước đó, VNDirect từng gặp nhiều sự cố khác tương tự. Vào tháng 4/2022, vào phiên giao dịch, các nhà đầu tư đã từng không thể đăng nhập website công ty với lý do tên miền và các trang mở rộng khác đã hết hạn sử dụng. Vào tháng 11/2021 và tháng 4/2020, công ty cũng từng gặp trục trặc khi đăng nhập giao dịch với lý do quá tải.
Sự cố của VNDirect khiến các nhà đầu tư có tài khoản tại công ty này “đứng ngồi không yên” trước bối cảnh thị trường biến động mạnh.
Cổ phiếu VND của doanh nghiệp cuối phiên sáng 27/3 đứng ở mốc tham chiếu 23.450 đồng/cổ phiếu. Trước đó, phiên hôm qua (26/3), VND là mã giảm mạnh nhất nhóm chứng khoán, không những thế cổ phiếu này còn chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại, với gần 400 tỷ đồng.