Sức sống làng trống Bắc Thai

Làng làm trống lâu đời và duy nhất của Hà Tĩnh đang nhộn nhịp không khí sản xuất để kịp cung cấp cho thị trường những chiếc trống bền, đẹp phục vụ mùa lễ hội.

Những ngày này, về thôn Bắc Thai, xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, tiếng đục đẽo, bịt trống, thử trống vang lên rộn ràng khắp một vùng quê.

Chú thích ảnh
Trang trí là công đoạn cuối cùng để có được một chiếc trống hoàn thiện.  Ảnh: baohatinh.vn

Nghề làm trống ở Bắc Thai xuất hiện đã từ lâu đời, theo nhiều cụ cao niên trong làng thì khi sinh ra đã nghe thấy tiếng đục, tiếng đẽo của cha ông làm trống. Đến nay, nghề làm trống phát triển rất thịnh vượng ở làng Bắc Thai, nét độc đáo của làng nghề truyền thống này là tất cả các hộ làm trống trong làng đều mang họ Bùi. Bắc Thai hiện có 17 hộ gia đình đang duy trì và phát triển nghề làm trống; trong đó, nhiều hộ có 3 - 4 thế hệ cùng làm trống.

Đến nhà cụ Bùi Văn Điêng (88 tuổi) khi cả nhà đang tất bật làm trống. Gia đình cụ Điêng hiện có 3 thế hệ đang cùng theo nghề. Cụ Điêng kể, sinh ra và lớn lên trong tiếng đục đẽo của cha ông làm trống, được cha ông truyền lại bí quyết làm nghề nên cụ đã chỉ dạy lại cho con cháu nối nghiệp. Trai làng từ 12 tuổi đã được dạy làm các loại trống nhỏ, đến 16 tuổi thì theo cha, anh đi làm trống lớn.

Anh Bùi Văn Đồng, cháu nội cụ Bùi Văn Điêng chia sẻ, nghề làm trống không phân biệt già trẻ, trai gái, tất cả đều có thể làm nghề. Phụ nữ, trẻ em thì làm các công đoạn nhẹ nhàng như: phơi da bò, đánh giấy nhám, còn đàn ông thì phụ trách các công đoạn quan trọng, khó hơn như: xẻ gỗ, ghép chang…

Để làm ra một chiếc trống bền, đẹp với tiếng trống vang, người làm trống Bắc Thai có những bí quyết riêng mà trống ở những nơi khác không có được. Theo đó, để làm được một chiếc trống phải rất kỳ công, khéo léo và kiên trì. Công thức mà các thế hệ con em ở Bắc Thai truyền tay nhau để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống thể hiện qua câu ca “Trống da bò, chang mít, nịt song”.

Chú thích ảnh
Việc quan trọng đầu tiên để ra được một chiếc trống hoàn chỉnh đó là chọn da. Ảnh: baohatinh.vn

Việc làm trống trải qua nhiều bước, nhưng có ba bước quan trọng nhất: Làm da, chang và bưng trống. Da làm trống phải là da bò còn tươi, không được ướp muối hay bất kỳ loại hóa chất nào, như thế trống mới bền, tiếng trống mới đảm bảo âm vực chuẩn. Loại gỗ để làm trống thì duy nhất chỉ là gỗ mít, đây là loại gỗ mềm, không bị cong vênh, nứt vỡ, không thay đổi trước thời tiết bất thường.

Bưng trống là giai đoạn cuối cùng và cũng là quan trọng nhất quyết định chất lượng của trống. Da bò được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chốt làm từ tre già. Việc bưng trống giúp điều chỉnh được âm thanh như: âm vực cao, âm vực thấp... đây là một kỹ thuật khó, chỉ những người trong nghề lâu năm mới làm được.

Cụ Bùi Văn Điêng chia sẻ, trước đây, làm trống chủ yếu là làm thủ công, hoàn thành một chiếc trống (loại trung bình) một người làm cũng mất 5 - 6 ngày mới xong. Bây giờ có sự trợ giúp của máy móc hiện đại, chỉ mất 1 - 2 ngày là có thể hoàn thành một chiếc trống.

Theo thống kê của xã Thạch Hội, năm 2018, làng Bắc Thai sản xuất khoảng 2.000 trống các loại. Nghề làm trống đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động. Là một trong những hộ sản xuất lớn ở làng trống Bắc Thai, ông Bùi Văn Tráng cho biết, năm nay, gia đình sản xuất khoảng 50 chiếc trống to và 100 chiếc trống nhỏ các loại. Tất cả đều được đặt hàng từ trước, chủ yếu là khách trong tỉnh và khách Quảng Bình, Nghệ An.

Hiện nay, trống Bắc Thai không chỉ có mặt ở thị trường trong tỉnh mà khách hàng ở các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An cũng ra tận nơi để đặt mua trống. Trong lộ trình phát triển, UBND huyện Thạch Hà đang quy hoạch và xây dựng làng trống Bắc Thai trở thành làng nghề truyền thống. Theo đó, tháng 7/2018, UBND xã Thạch Hội đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ xây dựng và nghề trống Thạch Hội để liên kết các hộ sản xuất nhằm phát triển nghề truyền thống.

Ông Bùi Văn Nghiệm, chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ xây dựng và nghề trống Thạch Hội, huyện Thạch Hà chia sẻ, hiện nay, Hợp tác xã đang trình UBND xã Thạch Hội bố trí đất để xây dựng xưởng sản xuất. Trong tương lai, Hợp tác xã sẽ đứng ra xây dựng thương hiệu và tìm kiếm đầu ra bền vững để phát triển làng trống Bắc Thai trở thành làng nghề truyền thống được các cơ quan chức năng công nhận.

Hoàng Ngà – Trương Loan (TTXVN)
Làng nghề miến đao Giới Phiên tất bật vào Tết
Làng nghề miến đao Giới Phiên tất bật vào Tết

Những ngày giáp Tết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các hộ gia đình làm miến tại xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) tất bật sản xuất miến đao phục vụ nhu cầu thị trường Tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN