Làm nghề gói bánh chưng 25 năm nay, cứ đầu tháng Chạp, gia đình ông Lê Thái Yên và bà Trần Thị Loan, xóm 9, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) tất bật cho vụ bánh chưng Tết. Để chuẩn bị cho vụ bánh chưng tết, gia đình ông Yên đã phải chuẩn bị một số lượng lớn nguyên liệu gồm lá dong, lá chuối, nếp chất kín sân. Ngoài ra, gia đình còn hợp đồng với cơ sở giết mổ để mua thịt lợn, đậu xanh làm nhân và chuẩn bị củi nấu bánh.
Tại sân nhà gia đình ông Yên, mỗi người một việc, ai cũng tất bật từ sáng tới đêm khuya. Anh con trai ông Yên lau chùi lá dong, cô con dâu gọt sống lá, một cô con gái làm nhân bánh thành từng nắm, 2 người gói bánh, ông Yên buộc lạt bánh để đảm bảo chiếc bánh chặt, nấu lên vuông vắn, không bị méo mó. Riêng bà Trần Thị Loan – vợ ông Yên chịu trách nhiệm đãi nếp, trộn muối vào nếp để bánh đậm đà và nấu, vớt bánh.
Ông Lê Thái Yên cho biết: “Những ngày giáp Tết, thành viên gia đình phải làm việc luôn tay, không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống. Nhiều hôm làm cả đêm, mệt quá ngả lưng tại chiếu chợp mắt 1-2 tiếng, rồi lại phải dậy làm tiếp mới kịp bánh giao cho khách. Trung bình mỗi vụ Tết, gia đình nhận gói khoảng trên 9.000 cái bánh; trong đó, khoảng 3.000 cái phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo; số còn lại phục vụ Tết. Nói là tháng Tết nhưng cao điểm bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp cho đến ngày 29 Tết, có năm phải đến tối 30 Tết mới xong việc”.
“Để làm một cái bánh chưng không hề đơn giản, gói xong bánh được đun liên tục trong 6 tiếng đồng hồ, sau đó đợi than tàn, nước nguội từ từ để bánh chín đều từ trong ra ngoài. Nếu vớt bánh khi nước còn nóng, vỏ bánh sẽ bị “cháy”, bánh không xanh. Bánh vớt ra, rửa sạch, ép hết nước ở các góc (bánh chưng) và hai đầu bánh (bánh tày). Có như thế bánh mới không bị chua và để được lâu”, bà Trần Thị Loan chia sẻ bí quyết nấu bánh của gia đình.
Bà Trần Thị Loan chia sẻ thêm, dù đã có nồi điện chuyên dụng để nấu bánh chưng nhưng bà Loan cũng như phần lớn các gia đình làm bánh chưng trong làng vẫn chọn đun bánh bằng củi. Đây cũng được xác định là công đoạn quan trọng nhất để cho ra chiếc bánh chưng xanh, rền, dẻo mà hạt nếp không bị nát.
Cũng không khí lao động nhộn nhịp không kém, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Bính, xóm 9, xã Hợp Thành tất bật với việc gói bánh chưng Tết. Không kể già hay trẻ, ai cũng có công việc riêng. Bố chồng chị Hồng chẻ lạt, buộc lạt, đứa con học lớp 11 lau lá, còn chị Hồng đảm nhiệm việc chế biến nhân và gói bánh.
Vừa thoăn thoắt gói những chiếc bánh chưng vuông vắn, chị Nguyễn Thị Hồng Bính vui vẻ cho biết: “Bánh chưng Vĩnh Hòa có thương hiệu lâu nay, nên cứ Tết đến là khách ùn ùn đặt hàng, không phải tìm đầu ra. Cứ 10 ngày sát Tết, gia đình nào cũng không có thời gian mà ăn hay ngủ, bếp phải đỏ lửa thâu đêm, suốt sáng mới kịp giao hàng. Riêng tháng Tết gia đình gói khoảng 6.000 chiếc bánh chưng theo đơn đặt hàng, thu nhập cả gia đình khoảng 40 – 50 triệu đồng”.
Làng bún bánh Vĩnh Hòa, xóm 9, xã Hợp Thành, Yên Thành (Nghệ An) là nghề truyền thống có từ hàng chục năm nay, năm 2008 được công nhận là làng nghề với 200 hộ tham gia sản xuất. Mặc dù được công nhận là làng nghề nhưng người dân ở đây vẫn bám ruộng, bám vườn làm ăn. Người dân trong làng hầu hết đều làm thêm bún, bánh mướt (bánh tráng), bánh chưng, bánh khô, đậu phụ… Trên thực tế, đây là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân làng nghề Vĩnh Hòa. Những tháng bình thường trong năm, trung bình mỗi người dân làng bún bánh Vĩnh Hòa không kể già hay trẻ đều có mức thu nhập ổn định từ 3 – 5 triệu đồng/tháng.
Theo ông Lê Hồng Trường – Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, làng nghề bún bánh Vĩnh Hòa hàng năm đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập của xã. Riêng vào vụ Tết, có những hộ gia đình đạt thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Bánh chưng Vĩnh Hòa nổi tiếng thơm ngon nên được khách hàng ưa chuộng, tiêu thụ rộng rãi tại Hà Nội, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh và còn xuất khẩu sang Nhật Bản. Thời gian tới, chính quyền địa phương kết nối, xúc tiến đưa bánh chưng Vĩnh Hòa sang Lào, Đài Loan… Đây là thị trường có nhiều cộng đồng người Việt Nam sinh sống, hứa hẹn sẽ là thị trường tiêu thụ lớn.