Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn bài báo cho biết, nguồn nước tưới cho cây cà phê ở vùng Tây Nguyên đang ngày càng khan hiếm khi tình trạng biến đổi khí hậu từ lâu đã tác động tới Việt Nam. Mùa mưa ở Tây Nguyên được kỳ vọng với những cơn mưa quý giá ngày càng trở nên thất thường, thậm chí hoàn toàn không có mưa, như trong tháng 6 năm nay. Khi cần mưa để cây cà phê phát triển, thời tiết lại nắng nóng, nhưng khi cây cà phê trổ hoa, trời lại đột ngột đổ mưa khiến hoa bị rữa và rụng trái non. Điều này làm giảm sản lượng và chất lượng cà phê.
Thời tiết không thể lường trước như vậy đã khiến đời sống của nhiều nông dân gặp nhiều khó khăn. Kết quả là xuất khẩu cà phê, với phần lớn sang thị thường châu Âu, sụt giảm. Nếu trong năm 2018 có 1,88 triệu tấn cà phê được xuất khẩu thì năm 2019 đã giảm xuống 1,61 triệu tấn, tới năm 2020 còn 1,57 triệu tấn và năm ngoái giảm xuống còn 1,52 triệu tấn. Hiện các cơ quan nhà nước và các tổ chức phi chính phủ đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để giúp ngành cà phê Việt Nam có thể chống chịu tốt và phát triển bền vững hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã khởi động dự án giai đoạn 2021 - 2025 trồng tái canh cà phê và ghép cải tạo khoảng 107.000 ha cà phê với những giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Cây cà phê phát triển tốt ở vùng cao nguyên Việt Nam, giáp biên giới với Campuchia và Lào khi riêng nơi đây có khoảng 1,5 triệu người làm việc trong lĩnh vực này. Việt Nam hiện là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới (sau Brazil) và là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất tế giới. Khách hàng của Việt Nam ở khoảng 80 nước trên thế giới và 40% sản lượng cà phê của Việt Nam được xuất sang châu Âu. Đức là thị thường tiêu thụ quan trọng nhất khi chiếm 15% tỷ trọng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2021. Theo Cục Thống kê liên bang Đức, trong năm 2021, Đức nhập khẩu tổng cộng 1,21 triệu tấn cà phê (chủ yếu là cà phê rang và chưa rang), trong đó 17% là nhập từ Việt Nam.