Tái cơ cấu các dự án nghìn tỷ đang đúng hướng 

Những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam có sự đóng góp tích cực từ các doanh nghiệp lớn, những tập đoàn, tổng công ty sau một thời gian tái cơ cấu. Nhiều dự án nghìn tỷ thua lỗ nhiều năm trước đây đã được "hồi sinh".

Tuy nhiên, tình hình địa chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp sẽ có những tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam và có nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh này, yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp nhà nước nói chung và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nói riêng ngày càng khó khăn, thách thức khi vừa phải thực hiện mục tiêu tăng trưởng hiệu quả, vừa phải bảo đảm các mặt hàng thiết yếu, các cân đối lớn của nền kinh tế. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
TBA 500kV Vân Phong đang thi công: hoàn thiện phần nhà chờ ca, đang lắp đặt cống thoát nước, mương cáp; đang xây dựng hàng rào xây gạch, đang thi công móng thiết bị sân 220kV. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN

Sau 5 năm đi vào hoạt động trong vai trò đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đạt được những mốc quan trọng nào so với định hướng và mục tiêu ban đầu đề ra, thưa ông?

Nhìn lại chặng đường 5 năm, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả tương đối rõ rệt. Nội dung này đã được các cơ quan ban, ngành đánh giá trong các buổi họp báo cáo hoạt động của Ủy ban. Thứ nhất, việc thực hiện chức năng chủ sở hữu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên cơ sở Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (gọi tắt là Luật số 69/2014/QH13) đã được thực hiện đầy đủ, tương tự các cơ quan chủ sở hữu trước. Song, ưu điểm hơn là Ủy ban đã thực hiện nhiệm vụ có tính chất chuyên trách, tập trung hơn, có nề nếp bài bản và hệ thống hướng chuyên nghiệp hơn. Thứ hai, Ủy ban đã làm rõ hơn vai trò công việc, phạm vi quản lý của nhà nước và tách bạch với nhiệm vụ, phạm vi quản lý của chủ sở hữu.

Có thể thấy, việc quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý thuộc bộ chính sách đã rõ nét hơn trong phạm vi xã hội và cấp quốc gia, chứ không chỉ dựa vào các doanh nghiệp nhà nước. Thứ ba, Ủy ban đóng vai trò đầu mối đã tập hợp các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian trước đó. Ủy ban cũng phối hợp với các bộ nhằm làm rõ các vấn đề vướng mắc tại quy định, quy phạm như việc Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 21/5/2020 về xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu, tạo tiền đề sửa đổi Luật Đầu tư.

Sau 5 năm được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ chuyên ngành về Ủy ban, hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty hiện đang được vận hành ra sao? Kết quả kinh doanh có được như kỳ vọng không thưa ông?

Sau 5 năm, 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoạt động đúng định hướng, chiến lược, thậm chí còn ghi nhận những kết quả tốt về tăng trưởng doanh số lẫn lợi nhuận cũng như quy mô vốn của chủ sở hữu tăng lên gần 1,15 triệu tỷ đồng. Đây là những con số cho thấy các doanh nghiệp này không chỉ hoạt động ổn định mà còn tăng trưởng tốt.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cân đối lớn cho nền kinh tế như ngành xăng dầu, điện, phân bón..., 19 tập đoàn, tổng công ty của Ủy ban tiếp tục đóng vai trò cân đối đồng thời là bệ đỡ cho nền kinh tế phát triển. Thêm nữa, các doanh nghiệp này sau khi về dưới sự quản lý của Ủy ban đã tiếp tục thay đổi năng lực quản trị dựa trên việc chuyển đổi số và nâng cao ý thức hoạt động của chính doanh nghiệp không chỉ dựa vào các cơ chế chính sách của Nhà nước như trước đây.

Có thể thấy, 19 tập đoàn, tổng công ty sau 5 năm được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ chuyên ngành về Ủy ban  đã được tạo điều kiện tập trung nhiều hơn cho các hoạt động đầu tư nhiều vướng mắc trước đó. Hiện nay, có nhiều hoạt động đầu tư mà các doanh nghiệp này đang triển khai, ví dụ: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân…, các dự án ngành dầu khí như nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 đang bắt đầu được tiếp cận để xử lý… Đây là những hoạt động đầu tư khá sôi động và tạo đà tốt cho hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay và thời gian sắp tới.

Nhìn sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu, ông có thể cho biết các dự án thua lỗ được chuyển giao từ các bộ ngành trước đây đã được "hồi sinh" ra sao sau 5 năm Ủy ban tiếp quản và sẽ được định hướng phát triển thế nào trong thời gian tới?

Về nhóm 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhờ nỗ lực của doanh nghiệp cũng như sự đóng góp làm đầu mối từ Ủy ban cùng với các cơ quan ban, ngành, hiện Bộ Chính trị đã thông qua 8 dự án và giao cho các doanh nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện theo đúng cơ chế thị trường.

Ủy ban đã xác định rõ việc khắc phục và hỗ trợ các dự án kém hiệu quả phải dựa trên cơ sở thị trường, đảm bảo cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các tiêu chí thị trường để vận hành những dự án này theo hướng bền vững. Tính đến thời điểm hiện nay, 8 dự án này đang trong quá trình triển khai theo đúng định hướng của Bộ Chính trị thông qua và có những dự án đang cho dấu hiệu khả quan. Chẳng hạn như, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã từng bước khắc phục khó khăn và dần có lãi từ đầu năm 2022; Nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (PVTex) đã vận hành ổn định các dây chuyền sản xuất và đang trong quá trình tìm kiếm đối tác nước ngoài về công nghệ và sản phẩm để có thể lựa chọn được kênh thị trường phù hợp, qua đó góp phần hồi phục hoạt động chung của nhà máy.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất cho vay đã giúp các doanh nghiệp trở về đúng vị trí phải cạnh tranh trên thị trường và tiếp tục vận hành các dự án này có hiệu quả. 8 trong số 12 dự án kém hiệu quả đã có một đường hướng rất rõ ràng và kết quả được ghi nhận thông qua các con số được các doanh nghiệp báo cáo.

Ngoài ra, một số dự án khác cũng đang trong quá trình xử lý; trong đó nổi bật là Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đây là một kinh nghiệm được xử lý khá tốt từ phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trước đó, dự án này gặp khó khăn về vấn đề tài chính, sau khi xử lý các sai phạm, Ủy ban đã động viên và tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là cấp quản lý tại PVN quay trở lại và hỗ trợ dự án này tiếp tục vận hành trên cơ sở chuyển đổi nguồn vốn vay sang nguồn vốn chủ sở hữu. Và đến tháng 7/2023, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã phát điện lên Hệ thống lưới điện quốc gia. Đây là một nỗ lực thành công của doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy vai trò của cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước của Ủy ban là hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, Ủy ban có những giải pháp gì để tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, thưa ông?

Mặc dù trải qua 5 năm, tuy nhiên Ủy ban vẫn phải hoàn thiện mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu, còn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ là một tên của mô hình này. Mô hình này được thành lập năm 2018, các quy phạm pháp lý vẫn chưa thay đổi. Vì vậy, trong thời gian tới, Ủy ban cần tiếp tiếp tục nghiên cứu các điều kiện cụ thể của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế để tiếp tục hoàn thiện mô hình này, có những cơ chế đặc thù, cụ thể, rõ ràng, phù hợp với vai trò quản lý của chủ sở hữu, đồng thời không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, giúp hoạt động quản lý của nhà nước nói chung và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện mô hình này phù hợp với điều kiện cụ thể hiện nay, đồng thời điều chỉnh các quy định về mặt pháp lý nhằm đảm bảo mô hình này hoạt động đúng vai trò và chức năng. Đó là không trùng lặp vào hoạt động quản lý nhà nước, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thay vào đó Ủy ban đóng vai trò chủ sở hữu và là đầu mối giúp Nhà nước quản lý phần vốn tại các doanh nghiệp này một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, Ủy ban phải phối hợp chặt chẽ và tốt hơn nữa với các cơ quan quản lý nhà nước về chính sách liên quan đến vi phạm pháp luật. Do vậy, Ủy ban vẫn tiếp tục làm đầu mối và với các bộ quản lý nhà nước hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Ủy ban cũng phải đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện vai trò chủ sở hữu tăng cường kiểm tra, giám sát và định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp xác định rõ trách nhiệm, tập trung sản xuất kinh doanh và đầu tư để đem lại hiệu quả và tăng trưởng cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Đức Minh - Thùy Linh/TTXVN (Thực hiện)
Tái cơ cấu các dự án hiệu quả, tạo lực cho phát triển kinh tế
Tái cơ cấu các dự án hiệu quả, tạo lực cho phát triển kinh tế

Tại Tọa đàm "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới” diễn ra sáng 26/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Thành Trung cho biết: Sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN