Khơi thông “tư duy vốn Nhà nước, vốn doanh nghiệp”
Một trong những vấn đề thường xuyên được đại biểu đặt ra trong các cuộc thảo luận gần đây về DNNN là “không được đồng nhất vốn và tài sản của doanh nghiệp là vốn, tài sản của Nhà nước”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần phải làm rõ tư duy vốn Nhà nước, vốn doanh nghiệp. Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp phải trở thành vốn của doanh nghiệp, không thể phân tách đồng vốn của từng nhóm cổ đông để rạch ròi “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn không thể quyết định mọi vấn đề, can thiệp ở doanh nghiệp con mà phải qua hệ thống quản trị công ty, phải thông qua cơ cấu quyền lực quản trị trong công ty.
Ví dụ, Bộ Xây dựng đại diện vốn Nhà nước tại Viglacera xây dựng phương án thoái vốn tại doanh nghiệp này, khi có phương án giá phải xin ý kiến cơ quan tài chính cùng cấp rồi mới tiến hành bán đấu giá. Trong khi đó, với những doanh nghiệp mà Nhà nước chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), sau khi được chấp thuận chủ trương thoái vốn từ cơ quan có thẩm quyền, SCIC sẽ thuê thẩm định giá và tiến hành bán đấu giá mà không phải xin ý kiến cơ quan tài chính cùng cấp. Tương tự, những đầu việc liên quan đến chia cổ tức, đầu tư dự án…
Ông Lê Anh Xuân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Kế toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho rằng, Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang đưa ra 2 khái niệm. Thứ nhất, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp là doanh nghiệp có vốn đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn. Thứ hai, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp.
“Với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, điều này hiển nhiên là rõ. Song với các doanh nghiệp có nhiều thành phần cổ đông, trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp có vốn Nhà nước, vốn cổ đông cá nhân, vốn cổ đông tổ chức ngoài Nhà nước, vốn cổ đông nước ngoài… Khi đã đầu tư vào doanh nghiệp, đồng vốn đó trở thành vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có quyền với đồng vốn đó”, ông Lê Anh Xuân cho biết.
“Chủ sở hữu vốn Nhà nước chỉ có thể có ý kiến với đại diện chủ sở hữu, đại diện phần vốn sẽ biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng Quản trị theo tỷ lệ chứ chủ sở hữu không thể quyết định được”, ông Lê Anh Xuân nêu quan điểm.
Tâm tư của ông Nguyễn Đình Cung hẳn cũng là băn khoăn của các doanh nghiệp có vốn của SCIC và chính SCIC khi gần đây một câu hỏi được đặt ra: Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sau khi SCIC nhận bàn giao là vốn của SCIC hay vốn Nhà nước? Theo quy định hiện hành, vốn Nhà nước bàn giao về SCIC được ghi nhận vào vốn điều lệ (vốn chủ sở hữu) của SCIC, phần vốn sau khi tiếp nhận là tài sản của SCIC và là vốn đầu tư của SCIC tại doanh nghiệp.
Tại Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC, vốn chủ sở hữu của SCIC bao gồm: Vốn tiếp nhận theo giá trị sổ kế toán từ các công ty. Tổng công ty có trách nhiệm phản ánh đầy đủ giá trị vốn Nhà nước góp tại các doanh nghiệp đã nhận chuyển giao theo giá trị vốn được xác định tại Biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước giữa các bên hoặc Biên bản điều chỉnh việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước (nếu có). Trong quá trình hoạt động, vốn điều lệ của SCIC có thể tăng lên do vốn tiếp nhận theo giá trị sổ kế toán từ các công ty nhận chuyển giao.
Hiểu nôm na, vốn chủ sở hữu của SCIC hiện là 61.000 tỷ đồng, trong đó đã tính phần vốn của SCIC tại các doanh nghiệp có trong danh mục đầu tư của SCIC như: FPT, Nhựa Tiền Phong, Traphaco, Dược Hậu Giang, Tổng công ty Dược Việt Nam…
Vốn Nhà nước nên được vận hành theo cơ chế thị trường
Theo một số chuyên gia kinh tế, việc sửa Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn là cần thiết để gỡ những vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Luật số 69/2014/QH13 được ban hành từ năm 2014, góp phần tạo môi trường pháp lý và tạo tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn Nhà nước phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, nhiều quy định của Luật 69 đã bộc lộ những hạn chế.
Trong tờ trình gửi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ đã chỉ ra nhiều hạn chế của Luật số 69/2014/QH13.
Theo đó, Luật chưa phân định rõ các chức năng: Quản lý Nhà nước, chủ sở hữu vốn và quản trị hoạt động kinh doanh của Nhà nước tại các DNNN, có các quy định làm hạn chế quyền của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; đối tượng áp dụng chưa gồm các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư dưới 100% vốn điều lệ; các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đầu tư vốn; quy trình, thủ tục báo cáo, phê duyệt còn nhiều tầng nấc, phải được sự chấp thuận của nhiều cơ quan quản lý trong quyết định các vấn đề quản trị kinh doanh.
Một bất cập tiếp theo là lĩnh vực, ngành nghề đầu tư vốn nhà nước còn bị bó hẹp, khiêm tốn, nhất là các lĩnh vực mới như: Năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen, công nghệ cao (sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo); việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp cũng như việc đánh giá bảo toàn vốn của doanh nghiệp được đánh giá chung trên kết quả hoạt động của doanh nghiệp và từng dự án đầu tư là phải có hiệu quả. Trong khi đó, các DNNN còn phải thực hiện một số nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao, không vì mục tiêu lợi nhuận nên hiệu quả kinh tế không cao, chủ yếu chỉ có hiệu quả về mặt xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng.
Tại kỳ họp tháng 10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, rà soát lại toàn bộ Dự thảo luật để thể hiện nhất quán những tư tưởng của Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Tư tưởng chính là Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp. Vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, là vốn của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB, việc tách bạch quản lý nhà nước và quản lý vốn Nhà nước theo mô hình doanh nghiệp như của SCIC được đánh giá cao. Theo đó, loại trừ những ngành, lĩnh vực đặc thù, vốn Nhà nước được quản lý, vận hành như đồng vốn của các khu vực kinh tế khác, Nhà nước cũng là một nhà đầu tư, tuân thủ các luật chơi của thị trường.
SCIC đã tiếp nhận 1.080 doanh nghiệp (gồm 25 tập đoàn, tổng công ty) với tổng vốn Nhà nước hơn 32.339 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6, danh mục đầu tư của SCIC có 112 doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư theo giá trị sổ sách là 53.306 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ của các doanh nghiệp là 182.891 tỷ đồng. SCIC đã nộp NSNN với tổng số tiền 92.144 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 13%/năm.
Qua 18 năm hoạt động của SCIC cho thấy, đồng vốn tại doanh nghiệp do Nhà nước chuyển giao về SCIC đã trở thành vốn của SCIC, được SCIC bảo toàn và phát triển trong vai trò là cổ đông - nhà đầu tư, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.