Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, chương trình, có sự phối hợp giữa Asialink Business, Bộ Công nghiệp, khoa học, năng lượng và tài nguyên Australia (DISER) và Cơ quan Thương mại và đầu tư của Chính phủ Australia (Austrade), bao gồm một sự kiện khởi động đặc biệt để nâng cao nhận thức về các cơ hội fintech và một chuỗi chương trình phát triển năng lực phù hợp, hướng sự tập trung vào các giám đốc điều hành hội đồng quản trị và lãnh đạo doanh nghiệp, để giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội mang lại.
Asialink Business nhấn mạnh chương trình sẽ bổ sung và hỗ trợ cho Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Australia (EEES), dự kiến sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2021. Chiến lược này sẽ góp phần củng cố “cam kết chung về thương mại và đầu tư, tự do hóa và kết nối kinh tế của Australia và Việt Nam, đồng thời giúp cả hai nước tận dụng các cơ hội thị trường mới nổi”.
Asialink Business nhận định Việt Nam có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020 đạt 2,9% trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu. Cơ cấu dân số của Việt Nam trẻ, sẵn sàng tiếp thu các công nghệ mới. Đại dịch COVID-19 gây tác động không nhỏ tới nền kinh tế của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đã thúc đẩy sự tăng trưởng của nền tảng công nghệ kỹ thuật số trong nước. Năm 2020, Việt Nam ghi nhận một lượng lớn người tiêu dùng chuyển đổi sang sử dụng các dịch vụ trực tuyến thay vì các hình thức truyền thống. Đây cũng là năm đáng dấu sự bùng nổ số lượng người Việt Nam lần đầu tiên trải nghiệm dịch vụ kỹ thuật số mới trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tài chính công nghệ, giúp thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số quốc gia tăng trưởng 29%.
Trong số các ngành chuyển đổi sang công nghệ mới, fintech được đánh giá là có triển vọng đặc biệt tại thị trường Việt Nam, do mức độ hấp thụ thấp của các dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm truyền thống. Thống kê của Việt Nam cho thấy khoảng 70% dân số trưởng thành không có tài khoản ngân hàng, chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn khu vực Đông Nam Á. Giữa làn sóng phát triển công nghệ hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng tham gia ngày càng nhiều vào các nền tảng thanh toán tài chính kỹ thuật số, bỏ qua bước chuyển đổi bắt đầu với các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Điều này được thúc đẩy với sự sẵn sàng về kỹ thuật số của người tiêu dùng Việt Nam, khả năng chi tiêu trong nước tăng và sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ trong việc củng cố khuôn khổ pháp lý.
Báo cáo năm 2021 của mạng We Are Social và Hootsuite cho biết có khoảng 97% người dùng Việt Nam truy cập Internet qua điện thoại thông minh. Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ Việt Nam xác định ưu tiên cho số hóa, thúc đẩy đổi mới công nghệ tài chính, phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ tài chính.
Trong bối cảnh đó, Asialink Business tin rằng các doanh nghiệp Australia sẽ có nhiều cơ hội để tham gia vào thị trường công nghệ của Việt Nam. Cùng với một lực lượng lớn các công ty khởi nghiệp chuyên về mảng thanh toán di động, nhu cầu của các ngân hàng Việt Nam về chuyên môn kỹ thuật và thương mại cũng đang tăng lên. Rất nhiều ngân hàng hiện tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp fintech trong nước và quốc tế để cung cấp các giải pháp khách hàng sáng tạo. Asialink Business cho rằng các doanh nghiệp Australia có vị thế rất tốt để đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng cao trong lĩnh vực fintech của Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dung được tốt nhất các cơ hội, doanh nghiệp Australia cần phải có chiến lược trong cách tiếp cận.
Định hướng các cơ hội fintech của Việt Nam đòi hỏi một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng, giúp doanh nghiệp Australia đầu tư thời gian và nguồn lực để hiểu đất nước, con người và doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời sẵn sàng cho việc nội địa hóa sản phẩm dành cho thị trường địa phương... Đó chính là mục tiêu và nội dung chương trình mà Asialink Bussiness đang hướng tới.