Tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong cung ứng hàng hóa

Ngày 19/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5732/VPCP-KGVX gửi các Bộ: Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong cung ứng hàng hóa.

Chú thích ảnh
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 8.000 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu (bao gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa) và 455 chợ truyền thống đang hoạt động để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 17/CT-UBND. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Trước tình hình dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp ở một số địa phương và tiếp tục xuất hiện các chuỗi lây nhiễm trong hoạt động cung ứng, phân phối tại các trung tâm phân phối, chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa..., là nguy cơ lây lan trên diện rộng, khó kiểm soát, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát các quy định phòng chống dịch COVID-19 đối với hệ thống cung ứng phân phối để có chỉ đạo hướng dẫn phù hợp.

Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo an toàn trong từng khâu của toàn bộ hệ thống cung ứng, phân phối; đặc biệt các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa lưu chuyển liên tỉnh.  

Theo Bộ Công Thương, trên Thành phố Hà Nội đã đảm bảo dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các tình huống có thể xảy ra. Hiện các doanh nghiệp phân phối đã chủ động nguồn cung hàng hóa tăng từ 3 - 5 lần tại các kho hàng và tại các kho ở siêu thị, sẵn sàng cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô. Các siêu thị và nhà sản xuất cũng cam kết không tăng giá bán vào thời điểm này, không để đứt gãy, thiếu hàng hoá, nhất là hàng hoá thiết yếu cho người dân.

Liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, sau cuộc họp của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 19 tỉnh phía Nam bàn giải pháp cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân các địa phương đề xuất mở lại chợ truyền thống trong điều kiện phòng dịch chặt chẽ, thực hiện 5K và tiêm vaccine cho tiểu thương.

Các địa phương cho biết đều sẵn sàng phối hợp với TP Hồ Chí Minh để cung ứng, vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, các địa phương đều cam kết làm hết sức để bảo đảm cung ứng hàng hóa cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Với đề xuất mở lại chợ truyền thống đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khuyến cáo, các địa phương phải kiện toàn hệ thống phân phối; duy trì các chợ truyền thống, chợ đầu mối trong điều kiện đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch COVID-19 và các tiểu thương phải được tiêm vaccine.

Hiện ban quản lý các chợ tại TP Hồ Chí Minh đã kết nối, triển khai đến các tiểu thương thực hiện duy trì việc cung ứng hàng hóa cho người dân bằng hình thức bán hàng qua điện thoại. Theo đó tiểu thương đăng ký với ban quản lý thông tin tham gia bán hàng để ban quản lý thiết lập poster quảng bá ngay tại cổng chính chợ, treo thông tin xung quanh chợ, nơi người dân dễ nhận thấy nhất. Hiện nay nhiều tiểu thương đã đăng ký tham gia việc bán hàng trên zalo, facebook và fanpage của chợ thể hiện đầy đủ số điện thoại, địa chỉ liên lạc khi người dân có nhu cầu…

V.T/Báo Tin tức
Cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu an toàn trong cộng đồng dân cư
Cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu an toàn trong cộng đồng dân cư

Không ngừng chủ động phòng chống dịch COVID-19 cho gia đình và đồng hành cùng chính quyền địa phương, nhiều người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết, đã từng bước thích nghi cũng như vượt qua những thách thức thực hiện giãn cách xã hội; trong  đó, người dân đã hình thành thói quen lựa chọn phương thức mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm... an toàn và linh hoạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN