Tăng cường quản lý với hoạt động kiểm tra hàng hóa, sản phẩm

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong Danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy định tại Nghị quyết số 75/NQ-CP.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh. Ảnh: tcvn.gov.vn

Đến thời điểm này, Bộ Khoa học và Công nghệ là một trong ba Bộ được đánh giá đạt chỉ tiêu cắt giảm 50% danh mục sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng về các giải pháp, sự phối hợp với các bộ, ngành cũng như cách quản lý để việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa và tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp khi triển khai thực hiện.

Xin ông cho biết việc phối hợp với các bộ, ngành rà soát Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu?

Triển khai tích cực chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt, đi đầu trong quá trình triển khai áp dụng cơ chế “chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm” và trong công tác kiểm tra chuyên ngành.

Theo đó, Bộ đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 để chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa (với 93% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã phân loại của hàng hóa HS) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, cụ thể cắt giảm từ 24 nhóm sản phẩm, hàng hóa (với 299 loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS) phải kiểm tra trước thông quan xuống còn 2 nhóm sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra (tương ứng với 20 loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS) là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

Đến nay, đã cắt giảm khoảng 96% số lô hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ phải kiểm tra trước thông quan; Đồng thời, giảm 67% thời gian kiểm tra chất lượng nhập khẩu để thông quan hàng hóa (giảm từ 3 ngày xuống còn 1 ngày theo Thông tư 07/2017/TT-BKHCN), vượt hơn yêu cầu về thời gian của ASEAN + 4 (là 90 giờ).

Bộ Khoa học và Công nghệ đã chung tay cùng 12 Bộ, ngành rà soát Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy định tại Nghị quyết số 75/NQ-CP để rà soát, cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2.

Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản đôn đốc các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực khẩn trương hoàn thành việc rà soát danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và gửi kết quả về Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2018.

Đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định bãi bỏ 114 loại sản phẩm, hàng hóa theo Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng. Theo đó, mức xử lý vi phạm đã được nâng lên để phù hợp với Luật Xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt là quy định các mức phạt tiền từ 1 đến 5 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ tùy thuộc vào hành vi vi phạm liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc này bảo đảm tính răn đe về việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Xin ông cho biết việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa khi đổi mới quản lý "chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm" mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhưng tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp khi triển khai thực hiện các quy định?

Theo quy định trước đây, cơ bản 100% hàng hóa phải kiểm tra tiền kiểm. Hàng hóa phải được đánh giá sự phù hợp trước khi cơ quan kiểm tra có kết luận hàng hóa đáp ứng yêu cầu để hoàn thành thủ tục thông quan. Do đó, thời gian thông quan hàng hóa kéo dài từ 13-23 ngày (gồm cả thời gian kiểm tra chuyên ngành, thời gian thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp), gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.

Việc kiểm tra hậu kiểm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thời gian thông quan khi trong 1 ngày cơ quan kiểm tra chuyên ngành sẽ xác nhận vào đơn đăng ký kiểm tra để doanh nghiệp đủ điều kiện được thông quan. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp để bảo đảm hàng hóa phù hợp quy chuẩn Việt Nam (QCVN), tiêu chuẩn công bố áp dụng (thông qua hoạt động công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền) và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

Cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào đơn đăng ký kiểm tra, bản công bố hợp quy của doanh nghiệp để tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có). Trường hợp phát hiện vi phạm, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu hồi, xử lý hàng hóa không đáp ứng quy định và sẽ phải thực hiện kiểm tra tiền kiểm cho các lần nhập khẩu tiếp theo.

Do đó, vẫn quản lý được rủi ro của chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng vẫn có thể tạo điều kiện thông thoáng, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Như vậy, đòi hỏi cơ quan kiểm tra phải tăng cường công tác hậu kiểm và đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/7/2018), trong đó, đổi mới phương thức quản lý nhà nước chủ yếu từ tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm gắn liền áp dụng nguyên tắc rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân (áp dụng biện pháp miễn giảm kiểm tra hàng nhập khẩu).

Đồng thời, quy định đối với hàng hóa nhập khẩu có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ do cùng một người nhập khẩu, sau 3 lần nhập khẩu liên tiếp có kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ được cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng trong thời hạn 2 năm.

Nghị định số 74/2018/NĐ-CP cũng quy định cụ thể, thống nhất về hoạt động chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp. Do đó, cùng với chủ trương xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp, Nghị định 74/2018/NĐ-CP cơ bản đã quy định trình tự, cánh thức chỉ định hoạt động đánh giá sự phù hợp trên toàn quốc, để giảm thiểu các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.

Xin ông đánh giá thực tế việc phối hợp quản lý kiểm tra chuyên ngành?

Khái niệm “kiểm tra chuyên ngành” rất rộng, gồm kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra hiệu suất năng lượng, kiểm tra chất lượng (an toàn)... Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ yếu tập chung vào các sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (Sản phẩm hàng hóa nhóm 2).

Theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thì sản phẩm hàng hóa nhóm 2 được quản lý trên cơ sở quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn công bố áp dụng; biện pháp quản lý này phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh, bảo đảm nguyên tắc thực chất, quy định rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp thực hiện.

Qua rà soát 8 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực khoa học và công nghệ quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư năm 2016 (từ số 198 đến số 205), tổng số có 121 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đến nay, Bộ đã xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa 62 điều kiện đầu tư, kinh doanh, đạt 51%.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện xã hội hóa 100% hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, giám định, chứng nhận…), một tổ chức có thể thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp với nhiều lĩnh vực khác nhau… Do đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn tổ chức có năng lực, uy tín, có thể thực hiện được hoạt động đánh giá sự phù hợp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả doanh nghiệp tư nhân để thực hiện hoạt động thử nghiệm, chứng nhận phục vụ hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Đồng thời, 91% sản phẩm hàng hóa được quy định áp dụng biện pháp hậu kiểm, không thực hiện tiền kiểm, việc thay đổi biện pháp quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm là cần thiết và cần được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đẩy mạnh thực hiện, triển khai công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa một cách thống nhất.
 
Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hà (thực hiện)
Cải cách quản lý nhà nước về kiểm tra hàng hóa
Cải cách quản lý nhà nước về kiểm tra hàng hóa

Ngày 19/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính; các quy trình, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thời gian thông quan thực tế tại cửa khẩu Hải Phòng và các nhiệm vụ đã giao cho UBND thành phố Hải Phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN