Tăng cường vai trò điều phối của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ

Nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, vai trò “nhạc trưởng” của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cần phải được thể hiện rõ nét hơn nữa trong việc xây dựng liên kết vùng. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần tăng quyền hạn cho Ban Chỉ đạo trong vấn đề điều phối phát triển toàn vùng, đặc biệt là điều phối trong quy hoạch và bố trí lại lực lượng sản xuất, cây, con giống... và phân phối vốn đầu tư cho vùng.

“Lực bất tòng tâm”

Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam Bộ đã có những nỗ lực lớn trong việc triển khai các hoạt động liên kết vùng. Một trong những hoạt động rõ nét nhất chính là Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gọi tắt là MDEC tổ chức luân phiên hàng năm theo Quyết định số 8/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mới đây, Diễn đàn MDEC - Sóc Trăng 2014 đã góp phần giúp các tỉnh tạo một liên kết mở nhằm tăng tính hợp tác qua chủ đề “Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” - một vấn đề “nóng” của vùng ĐBSCL hiện nay.

Tiểu vùng bán đảo Cà Mau nằm trong quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL.



Bên cạnh đó, BCĐ đã triển khai những chương trình khác thúc đẩy liên kết vùng và liên kết với các tỉnh, thành phố lớn như chương trình hợp tác toàn diện được ký kết giữa BCĐ Tây Nam Bộ - UBND TP Hồ Chí Minh. Chương trình hợp tác toàn diện giữa UBND TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và các tỉnh, thành với nhau... Có thể nói, bằng chức năng, nhiệm vụ của mình, BCĐ đã làm tốt vai trò đầu mối, tham mưu đề xuất nhiều cơ chế, chính sách nhằm giúp phát triển kinh tế, liên kết vùng đối với các sản phẩm chủ lực (lúa gạo, thủy sản, trái cây), chính sách phát triển giao thông, thủy lợi, giáo dục... Tuy nhiên theo các chuyên gia, với quy định hiện hành, BCĐ chỉ thực hiện chức năng chỉ đạo, tham mưu, đề xuất chứ chưa trao quyền lực trong việc ra quyết định. Bởi thực tế đã cho thấy, dù đã có những nỗ lực nhưng mối liên kết giữa các tỉnh trong vùng và giữa các vùng trong cả nước vẫn chưa hình thành rõ nét. Theo ông Phạm Gia Túc, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ, vấn đề đầu tư trùng lắp, dàn trải, nhỏ lẻ, chậm phát huy hiệu quả, không có công trình tầm cỡ với “lợi thế chung” cho cả vùng... cho thấy sự phát triển của các địa phương còn thiếu sự liên kết, phối hợp.

Mặc dù những nghị quyết, chiến lược, chương trình, kế hoạch... để phát triển kinh tế vùng đều đã được Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành, nhưng việc thực hiện lại phụ thuộc vào các cơ quan trung ương và địa phương. Do vậy, ý kiến của nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL kiến nghị phải xây dựng chương trình liên kết vùng thật cụ thể. Trong đó đảm bảo sự phân công trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị của trung ương và địa phương. Đặc biệt là tăng cường hơn nữa vai trò điều phối của BCĐ Tây Nam Bộ.

Cần một cơ chế “thiết thực”

Theo các chuyên gia kinh tế, cần phải có cơ chế đặc thù cho vùng ĐBSCL để phát triển tương xứng với tiềm năng của mình. Trong đó nhấn mạnh việc hình thành Ban điều phối vùng ĐBSCL để có được một cơ quan điều phối thống nhất chung cho toàn vùng, nhằm thực sự tạo được liên kết giữa các vùng của ĐBSCL với nhau cũng như các tiểu vùng của vùng kinh tế trọng điểm. Chỉ như vậy mới phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương, tránh được tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, lãng phí, mạnh địa phương nào địa phương nấy làm.

Căn cứ Quyết định 939/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ở ĐBSCL có 3 vùng kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm gồm các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau được quy hoạch là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản. Vùng sông Tiền bao gồm phần phía đông của tỉnh Long An, Tiền Giang được quy hoạch tập trung phát triển các khu công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản. Vùng Đồng Tháp Mười bao gồm các huyện phía tây của tỉnh Long An, Tiền Giang và toàn bộ tỉnh Đồng Tháp quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng né lũ, nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu cây trồng và cơ cấu sản xuất để tăng hiệu quả thu nhập.

Vùng kinh tế trọng điểm còn được chia 4 tiểu vùng. Đó là tiểu vùng Trung tâm, tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên, tiểu vùng bán đảo Cà Mau và khu vực hải đảo theo Quyết định số 245/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cho đến nay, những quy hoạch vùng, tiểu vùng nói trên cũng chỉ nằm trong các quyết định đã được phê duyệt, chưa được triển khai đúng như hoạch định. Nguyên nhân chính vẫn là chưa có Ban điều phối vùng.

Thời gian tới, Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2014 - 2019 sẽ được Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu và phê duyệt và đây sẽ là “chiếc áo pháp lý” rất quan trọng cho nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng. Nhưng để Quy chế này phát huy hiệu quả thì BCĐ Tây Nam Bộ, một cơ quan của Đảng, giúp việc cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện chủ trương chính sách toàn diện về kinh tế, văn hóa, quốc phòng an ninh phải gánh nặng thêm trọng trách. “Nếu quy chế liên kết vùng này được Thủ tướng phê duyệt, tôi nghĩ nên giao thêm nhiệm vụ cho BCĐ Tây Nam Bộ.

Tất nhiên, giao thêm nhiệm vụ là có thêm con người và có thêm cơ chế để thực hiện nhiệm vụ của mình. Cơ chế ở đây là gì? Trong quy hoạch phát triển tổng thể vùng ĐBSCL thì khi triển khai quy hoạch đó, các tỉnh phải tuân theo, vậy thì khi các tỉnh đề ra một đề án hay chương trình thì có sự giám sát, kiểm soát của BCĐ Tây Nam Bộ để đảm bảo làm đúng quy hoạch. Hay nhà đầu tư trong nước, ngoài nước đến từng tỉnh đầu tư thì nếu BCĐ Tây Nam Bộ được giao nhiệm vụ sẽ xem xét việc đầu tư ở đó có đúng không? Khi đặt nhà máy ở đây rồi thì vùng nguyên liệu ở đâu? Chứ không có thể xảy ra tình trạng nhà máy ở tỉnh anh mà vùng nguyên liệu ở tỉnh tôi là không được. Giao nhiệm vụ thì phải giao quyền, tất nhiên đây không phải là quyền cấp trên, cấp dưới nhưng nhằm để điều hành hiệu quả nhiệm vụ”, ông Dương Quốc Xuân, Phó BCĐ Tây Nam Bộ, kiến nghị.

Tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực

Thực tế trong thời gian qua cho thấy, nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên cho mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư thiếu sự liên kết chặt chẽ để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn thì khó có thể đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng.

Ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

“Có quyền nhưng không có tiền”

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ có quyền nhưng không có tiền. Hiện tại, Luật Ngân sách bên tỉnh này không cho xài bên tỉnh khác. Do vậy để Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ trở thành “nhạc trưởng” cho nhiệm vụ xây dựng liên kết vùng thì phải có tiền. Chính phủ phải nghiên cứu, ban hành cơ chế cho Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

GS.TS Võ Tòng Xuân

Cần cơ chế đặc thù

Để ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp và ứng phó tốt với biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì nhà nước phải cần có cơ chế đặc thù cho vùng để giải quyết điểm “nghẽn” trong phát triển như xây dựng khu nông nghiệp đặc thù ở ĐBSCL về con cá tra gồm 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang và thành phố Cần Thơ vì 3 địa phương này cung cấp trên 80% sản lượng cá tra xuất khẩu cho cả nước. Riêng tỉnh Đồng Tháp, ngoài thế mạnh về cây lúa và thủy sản, tỉnh còn mạnh dạn xác định quy hoạch phát triển ngành du lịch như là một lợi thế so sánh, là một sản phẩm đặc trưng so với các tỉnh thành khác. Kiến nghị Trung ương cần hướng đầu tư mạnh nguồn vốn ODA về chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho cả vùng, có chủ trương chính sách, định hướng các nhà đầu tư sử dụng vốn FPI vào ĐBSCL.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp


Bài và ảnh: Anh Đức - M.T

Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Khai phóng tiềm năng của vùng
Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Khai phóng tiềm năng của vùng

Thúc đẩy liên kết kinh tế, khắc phục tình trạng không gian kinh tế vùng bị chia cắt là “chìa khóa” để khai phóng tốt nhất tiềm năng, lợi thế, năng lực cạnh tranh của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, nhiệm vụ thiết lập mối liên kết này trong những năm qua vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN