Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông

Hệ thống giao thông đường bộ của đồng bằng sông Cửu Long đã và đang được ưu tiên đầu tư trong những năm gần đây. Việc tập trung vào lĩnh vực này chính là “chìa khóa” cho việc thúc đẩy liên kết kinh tế vùng.

Tín hiệu vui

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất yếu nên nguồn lực đầu tư về giao thông rất lớn. Trong những năm qua, nền kinh tế các tỉnh còn khó khăn nên việc đầu tư để hiện đại hóa hạ tầng còn gặp nhiều thách thức. Do vậy, để khai thác hết năng lực hiệu quả các công trình giao thông trên địa bàn, việc xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông phải tuân thủ quy hoạch chuyên ngành, tránh cục bộ địa phương gây lãng phí.

Cầu Cần Thơ một dự án giao thông quan trọng trong ngày thông xe.


Trong những năm qua, ngành GTVT đã xác định ưu tiên đầu tư những công trình giao thông có tính đột phá, tạo được sự liên kết vùng và giữa các phương thức vận tải. Theo đó, các dự án giao thông vận tải trọng điểm hiện nay được triển khai tại vùng ĐBSCL, điển hình là dự án cầu Vàm Cống với tổng mức đầu tư hơn 271 triệu USD vốn ODA và cầu Cao Lãnh với mức đầu tư 145 triệu USD.

Dồn sức cho những dự án trọng điểm

Nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng liên kết kinh tế vùng ĐBSCL, Vụ Vận tải - Bộ GTVT đã và đang triển khai tích cực theo tinh thần Quyết định số 548/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Theo đó, sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng và cải tạo nâng cấp các dự án Quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên, Quốc lộ 53 đoạn km 139 - km 1, hoàn thành dự án đường hành lang ven biển phía nam từ cửa khẩu Xà Xía đến Cà Mau bằng nguồn vốn vay của ADB, viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc... Triển khai xây dựng một số dự án trọng điểm tạo động lực phát triển vùng như: Cầu Cao Lãnh, tuyến nối hai cầu Cao Lãnh - Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, mở rộng quốc lộ 1A đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp, cầu Cổ Chiên, cầu Long Bình. Triển khai xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và từng bước đầu tư hệ thống đường bộ ven biển đối với các đoạn thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư của Trung ương.

“Theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đang nghiên cứu tuyến BOT từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ, nếu không có gì thay đổi thì quý I/2015 sẽ khởi động dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Theo tính toán, đến 2020 từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ sẽ có tuyến cao tốc”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay. Ngoài ra, trong tháng 12 này, Bộ GTVT cũng khởi động hai dự án BOT là tuyến tránh TP Sóc Trăng dài 12 km và đoạn mở rộng trên Quốc lộ 1 với tổng mưc đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này sẽ khởi công đường cửa ngõ vào TP Bạc Liêu dài khoảng 10 km bằng hình thức BOT. Đây là hai dự án quan trọng đối với Sóc Trăng và Bạc Liêu. Còn riêng TP Cần Thơ, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ khởi động dự án từ Quốc lộ 1 đến cảng Cái Cui vì hiện nay cảng Cái Cui có vai trò quan trọng đối với Cần Thơ. Đặc biệt khi kênh Quan Chánh Bố được khơi thông thì các phương tiện giao thông và các tàu lớn có thể vào đến TP Cần Thơ.

Hiện Quốc lộ 53 từ tỉnh Vĩnh Long đến tỉnh Trà Vinh, Bộ GTVT đã hoàn thành nghiên cứu và báo cáo giữa kỳ. Thời gian sắp tới sẽ tiến hành báo cáo cuối kỳ và Bộ đã tìm được đối tác đầu tư, dự kiến năm 2015 sẽ khởi công dự án BOT này. Đoạn từ TP Trà Vinh nối vào khu nhiệt điện Định An hiện giao thông đang quá tải nên Bộ GTVT đang nghiên cứu dự án khả thi. Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, thực hiện quyết định 6/2011/QĐ-TTg về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 và hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2014, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đề xuất cần tăng cường nguồn vốn ngân sách phân bổ hàng năm cho phát triển GTVT đủ để bố trí nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA, các dự án triển khai dở dang và một số dự án cấp bách có tính chất liên kết vùng. Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án được bổ sung vốn giai đoạn 2014 - 2016 để tiếp tục triển khai thi công và hoàn thiện thủ tục khi hoàn thành dự án. Đồng thời ưu tiên nguồn vốn năm 2015 cho các dự án quan trọng, cấp bách như dự án cầu Cổ Chiên, cầu Long Bình.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Chính phủ cũng cần ưu tiên nguồn vốn đối ứng nhằm đảm bảo tiến bộ các dự án hiện nay đang thực hiện tại các tỉnh, nhất là dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL. Các địa phương trong vùng tập trung phối hợp với các đơn vị quản lý dự án Trung ương thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, nhằm đẩy nhanh công tác đền bù và triển khai dự án trọng điểm.

Bài và ảnh: Anh Đức

Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Khai phóng tiềm năng của vùng
Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Khai phóng tiềm năng của vùng

Thúc đẩy liên kết kinh tế, khắc phục tình trạng không gian kinh tế vùng bị chia cắt là “chìa khóa” để khai phóng tốt nhất tiềm năng, lợi thế, năng lực cạnh tranh của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, nhiệm vụ thiết lập mối liên kết này trong những năm qua vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN