Trước thực trạng đó, tỉnh Sơn La tích cực triển khai các hoạt động, gia cố, tu sửa hạ tầng cơ sở nhằm đảm bảo an toàn hồ đập, duy trì nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn.
Hồ Nong La nằm trên địa bàn bản Nưa, xã Chiềng La huyện Thuận Châu được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2020 với kinh phí trên 2 tỷ đồng. Công trình có dung tích dự trữ nước khoảng 25.000 m3. Khi đưa vào sử dụng, hồ đáp ứng tưới tiêu cho khoảng 70 ha đất nông nghiệp. Trước đây, khu vực này là con suối cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô hanh nhưng vào mùa mưa lũ lại luôn gây ngập úng, cuốn trôi hòa màu của người dân. Từ khi hồ được hoàn thành, người dân trong khu vực đã yên tâm hơn rất nhiều.
Anh Lò Văn Thỏa, Trưởng bản Nưa thông tin, khi chưa có hồ thủy lợi việc tưới tiêu, cấp nước cho đồng ruộng và ao hồ rất khó khăn. Khi được cải tạo thành hồ thủy lợi đã đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho 33 ha ruộng và 2 ha ao nuôi trồng thủy sản của người dân trong bản. Cùng với đó, hồ thủy lợi phát huy hiệu quả trong việc điều tiết nguồn nước, chống hạn, cắt lũ và cung cấp nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt.
Hiện trên địa bàn Sơn La có hơn 2.800 công trình thủy lợi; trong đó, có 105 hồ chứa và 132 đập dâng được giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác Công trình thủy lợi Sơn La quản lý và vận hành. Tuy nhiên, nhiều công trình hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Sơn La đã và đang vào giai đoạn hư hỏng, xuống cấp.
Qua kiểm tra đánh giá của cơ quan chức năng, Sơn La có 19 hồ chứa bị xung yếu hoặc bị phù sa bồi lấp; trong đó, hồ Huổi Vanh trên địa bàn xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu là một trong những hồ bị bồi lấp lớn. Theo thiết kế, công suất ban đầu của hồ Huổi Vanh chứa được 2,2 triệu m3, nhưng nay do bị phù sa bồi lấp nên công suất tích nước chỉ còn khoảng 50%.
Ông Ngô Huy Quang, Trưởng Chi nhánh Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác Công trình thủy lợi Sơn La tại huyện Yên Châu thông tin, hồ Huổi Vanh là một trong những hồ có sức chứa lớn nhất tại địa bàn. Nhưng từ năm 2014 đến nay, hồ thường xuyên bị phù sa bồi lấp do người dân canh tác, sản xuất ở các vùng ven hồ. Hiện lòng hồ đã bị bồi lấp từ 5-7m bùn, chỉ còn khoảng 3m nước. Do đó, cống xả nước phải mở 24/24, vì nếu đóng lại sẽ bị bùn làm ùn tắc. Tuy nhiên, hiện nay chưa có có nguồn vốn để nạo vét, cải tạo lại, nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc điều tiết, cung cấp nước sản xuất cho người dân trong vùng.
Trước thực trạng các công trình hồ, đập bị xuống cấp, hàng năm Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác Công trình thủy lợi Sơn La được Trung ương hỗ trợ nguồn vốn khoảng 25 tỷ đồng nhằm gia cố, khắc phục, sửa chữa nhỏ. Tuy nhiên, so với số lượng hồ chứa và công trình thủy lợi hiện có thì nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng phần nào việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác Công trình thủy lợi Sơn La cho biết, hàng năm đơn vị đã xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi. Nhưng nguồn vốn để đảm bảo sửa chữa hết 2.800 công trình thủy lợi, hồ, đập thì chưa thể đáp ứng đủ.
Vì thế, hàng năm, đơn vị thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng tất cả các công trình thủy lợi, hồ đập trên địa bàn nhằm phát hiện các hạng mục hư hỏng, xuống cấp. Từ đó, phân bổ, ưu tiên kinh phí để tổ chức sửa chữa khắc phục đảm bảo an toàn cho các công trình; đồng thời, chú trọng xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa, thủy lợi nhằm phòng, chống, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Từ năm 2017 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và địa phương, tỉnh Sơn La đã đầu tư nâng cấp, xây dựng được 20 đập, hồ chứa nước cấp bách, xung yếu tại các huyện Thuận Châu, Mai Sơn, thành phố Sơn La.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Lê Văn Thành cho biết, hàng năm, trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, đơn vị đã lập kế hoạch kiểm tra các hồ chứa, công trình thủy lợi. Trên cơ sở đó, thành lập đoàn kiểm tra để kịp thời phát hiện những sai sót, sự cố tại các công trình nhằm kịp thời tu sửa nhằm đảm bảo an toàn.
Hiện Sơn La có 18 hồ chứa lớn, 12 hồ chứa vừa, còn lại là các công trình nhỏ. Những năm gần đây, một số công trình hồ chứa lớn và vừa đã được sửa chữa, cải tạo từ nguồn vốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với các hồ chứa nhỏ, do được xây dựng từ những năm 1970 nên khả năng đáp ứng việc tưới tiêu, chống lũ hiện rất hạn chế. Vì thế, cần có thêm nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp trong những năm tới.