Bên cạnh việc phát điện nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ trên sông Sêrêpốk nhằm điều tiết, giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra cho vùng hạ du.
Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, để đảm bảo an toàn hồ đập, ngay từ tháng 4, công ty đã kiện toàn bộ máy Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; kiện toàn các đội xung kích phòng chống thiên tai; xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, bảo trì, sửa chữa các thiết bị công trình phục vụ vận hành hồ đập, trạm quan trắc; vận hành thử nghiệm các công trình xả; mua sắm, trang bị đầy đủ vật tư phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...
Bên cạnh đó, công ty đã ban hành phương án ứng phó thiên tai năm 2021 đối với 3 công trình; các phương án đảm bảo thông tin liên lạc, cung cấp điện, chống ngập các nhà máy. Thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa gửi Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Đại diện Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cũng cho biết, vào tháng 6/2021, công ty đã tổ chức hội nghị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thường niên với sự tham dự của ngành chức năng 2 tỉnh và đơn vị quản lý hồ chứa liên quan thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy trình liên hồ. Sau hội nghị, công ty đã ban hành “phương án phối hợp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021” của các hồ chứa Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpốk 3, gửi đến cơ hữu quan liên quan để phối hợp thực hiện.
Việc tổ chức phổ biến, tuyên truyền về cơ chế phối hợp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương đến cấp xã vùng hạ du các hồ chứa được công ty thực hiện đầy đủ. Những năm trước nội dung này phổ biến trực tiếp đến chính quyền, người dân. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đơn vị gửi qua các nhóm Zalo để phổ biến đến cấp huyện, cấp xã.
Để hạn chế những rủi ro, thiệt hại do mưa bão, công ty đã phối hợp với địa phương tổ chức kiểm tra hành lang thoát lũ vùng hạ du hồ chứa. Do vùng hạ du của 3 hồ chứa trải dài khoảng gần 90 km nên công ty đã tập trung thực hiện kiểm tra tại một số vị trí xung yếu ở các xã, thị trấn: Ea Pô, Ea T’ling, Đắk Sôr, Buôn Chóa, Nam N’Đir (tỉnh Đắk Nông); các xã: Ea R’bin, Hòa Phú, Tân Hòa (Đắk Lắk).
Đến trung tuần tháng 10, việc kiểm tra đã hoàn thành. Sau khi kiểm tra đều lập biên bản; trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa công ty và chính quyền địa phương trong việc vận động bà con ở vùng hạ du thực hiện khâu liên quan để bảo đảm an toàn cho người và tài sản của nhân dân.
Nhằm cung cấp thông tin một cách kịp thời và rộng rãi đến cơ quan chức năng cũng như nhân dân vùng hạ du, công ty đã xây dựng website cung cấp thông số thủy văn vận hành hồ chứa trực tuyến tại http://buonkuop.vn:2016/pclb/. Đây là các số liệu được thu thập và hiển thị hoàn toàn tự động.
Số liệu tổng hợp theo giờ (trường hợp bình thường) và 15 phút (trường hợp có lũ) được tổng hợp và cung cấp website. Bên cạnh đó, để cung cấp thông tin thay đổi dòng chảy khi chạy máy và cảnh báo khi có lũ, công ty đã nghiên cứu chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống trạm cảnh báo từ xa qua sóng điện thoại di động.
Qua nhiều lần cải tiến, đến nay hệ thống đã có tính năng tự động đọc văn bản và thông báo bằng giọng nói, kết hợp với tín hiệu cảnh báo khác. Hiện nay, công ty đã lắp đặt tổng cộng 19 trạm cho vùng hạ du hồ chứa Buôn Tua Srah và 09 trạm cho vùng hạ du hồ chứa thủy điện Buôn Kuốp.
Trong thời gian vận hành điều tiết các hồ chứa đợt mưa lớn vừa qua, công ty đã cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến địa phương thông qua: website, tin nhắn qua nhóm Zalo, tin nhắn điện thoại, văn bản chính thức...
Ông Đỗ Duy Nam, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho biết, trước khi bước vào mùa mưa lũ năm nay, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cùng với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã tiến hành kiểm tra, khuyến cáo đến các xã dọc bờ sông, người dân thực hiện thu hoạch trước mùa mưa lũ, thường xuyên nghe tín hiệu cảnh báo, thông báo của chính quyền để có biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản.
Ông Vương Thế Vũ, thôn 11, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông sống cạnh sông Sêrêpốk chia sẻ, nhà máy thủy điện đặt hệ thống cảnh báo lũ bằng hệ thống loa phát dọc bờ sông, nhất là ở những điểm xung yếu là rất tốt và đi vào thực tế.
Trước khi điều tiết nước chạy máy, hoặc xả lũ trong mùa mưa, công ty đều thông báo trước 1 giờ đồng hồ. Khi nghe tín hiệu thông báo bà con đang canh tác dọc hai bên bờ sông, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản biết được và chủ động di chuyển lên bờ nên tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.