Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, logistics xanh đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Logistics xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động vận tải và kho bãi mà còn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài, nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp. Ứng dụng logistics xanh vào kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững, đóng góp quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu.
"Đặc biệt, với các doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo số liệu thống kê, chi phí cho hoạt động logistics chiếm khoảng 16,8%, đóng góp 5 - 6% GDP, nếu doanh nghiệp nhận thức đúng vai trò của logistics xanh sẽ có ý nghĩa rất lớn tới quá trình nâng cao năng lực cho hàng hóa xuất khẩu", Giám đốc Hà Vũ Sơn cho hay.
Theo ông Hà Vũ Sơn, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng tỷ USD; trong đó, Cần Thơ đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu. Hàng năm, Cần Thơ xuất khẩu 2,2 tỷ USD; trong đó, 30% là doanh thu từ xuất khẩu gạo. Sắp tới, Cần Thơ sẽ mở rộng sân bay thành sân bay quốc tế lớn với 10 - 15 triệu lượt hành khách/năm và hơn 10 triệu tấn hàng hóa/năm. Từ những cơ hội đó, các giải pháp về logistics xanh sẽ góp phần tận dụng tối đa, hiệu quả để phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Tại hội thảo các chuyên gia đều cho rằng, trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế thế giới theo hướng xanh, sạch và bền vững, logistics xanh không chỉ còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu nhằm hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng và cộng động doanh nghiệp nói chung.
Vai trò đầu tiên và được đánh giá quan trọng nhất của logistics xanh chính là giảm phát thải khí nhà kính. Theo nghiên cứu của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA (2021), có đến 37% lượng khí thải nhà kính toàn cầu do vận chuyển - một trong các hoạt động logistics cơ bản nhất, gây ra. Dự báo, nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ tăng gấp 3 đến 2050 tại các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, kéo theo lượng phát thải khí nhà kính tăng gấp đôi.
Dưới góc nhìn một nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm trong ngành, ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty cổ phần Hàng không Vietjet; nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, logistics là ngành chiếm gần 20% GDP quốc gia và được xem như chiếc đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế.
Trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế thế giới theo hướng xanh, sạch và bền vững, logistics xanh không chỉ còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu nhằm hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Với ngành logistics, ESG được cụ thể hóa bằng khái niệm logistics xanh. Cụ thể, logistics xanh chi phối đồng thời cả 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Ba mục tiêu này không loại trừ nhau mà ngược lại còn củng cố lẫn nhau và tạo tiền đề cho nhau phát triển.
"Mọi nỗ lực của logistics xanh không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ cộng đồng và thị trường mà còn tạo ra cơ hội mới và giúp tăng cường vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần quan trọng vào việc hình thành một môi trường kinh doanh tích cực và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tại doanh nghiệp", ông Quang nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, để thực hiện được mục tiêu logistics xanh, doanh nghiệp cần tập trung quản lý chuỗi cung ứng xanh và gắn liền với quản trị các mắt xích liên quan, bao gồm: vận tải xanh, bao bì xanh, kho bãi xanh, quản lý dự liệu xanh và logistics ngược.
Trong đó, vận tải xanh là sử dụng các phương tiện vận tải tạo ra lượng khí thải thấp hơn như: xe điện sử dụng năng lượng sạch, vận tải đường thủy. Bao bì xanh là sử dụng các bao bì có khả năng tái chế, tái sử dụng, bao bì dùng vật liệu có thể phân hủy và phân hủy sinh học…
"Khi các mắt xích đó đều “xanh” doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành; đồng thời, hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp", ông Đỗ Xuân Quang cho biết.
Đánh giá về ý nghĩa của hội thảo, ông Sang-Hoon Lee, Chủ tịch Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc (KEA) cho rằng, khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng trên toàn thế giới và thị trường năng lượng toàn cầu trở nên bất ổn, nhu cầu thiết lập an ninh năng lượng và trung hòa carbon ngày càng tăng.
Trong những năm gần đây, sự quan tâm đến logistics xanh đã tăng lên nhanh chóng trên toàn thế giới. Khi tầm quan trọng của phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ngày càng tăng, ngành logistics cũng đang giới thiệu các phương thức vận chuyển thân thiện với môi trường như: xe điện và xe hybrid để giảm lượng khí thải carbon và logistics xanh là yếu tố then chốt trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.
"Hàn Quốc và Việt Nam có thể cùng nhau thảo luận về chương trình nghị sự quốc tế này và sự kiện hôm nay sẽ là một bước tiến trong hành trình dài hướng tới trung hòa carbon", ông Sang-Hoo Lee hy vọng.