Xác định áp lực này, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu các đơn vị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành trong năm 2022 như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất, các dự án đường sắt cấp bách…
Nhằm bảo đảm phân bổ, giải ngân hết kế hoạch năm 2022, Vụ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham mưu Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án giao thông tăng tốc thi công, nhất là đối với các dự án đang “ì ạch” như các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt, Nghi Sơn-Diễn Châu, Vĩnh Hảo-Phan Thiết… Với các dự án này, Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo điều hành cần quyết liệt hơn nữa, cắt cử nhân lực, thiết bị “thiện chiến” nhất để quản lý, điều hành tại hiện trường, kiên quyết cắt chuyển khối lượng với nhà thầu yếu kém và tập trung giải cứu tiến độ các gói thầu chậm.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết cho tất cả các dự án khởi công mới theo hướng cụ thể theo các mốc tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, mốc tiến độ thực hiện đầu tư và bao gồm dự kiến nhu cầu sử dụng vốn năm 2022, sớm trình lãnh đạo Bộ chấp thuận, để làm cơ sở đôn đốc và điều hành tổng thể kế hoạch vốn.
Tuy nhiên, theo đại diện các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án giao thông, hiện nay, giá nhiên, nguyên vật liệu đầu vào “leo thang” cao đang làm khó các nhà thầu, trong khi việc công bố chỉ số giá của địa phương không phản ánh kịp thực tế, ảnh hưởng lớn đến năng lực tài chính của nhà thầu và tiến độ thi công các dự án. Vì vậy, các dự án đề xuất các cấp có thẩm quyền sớm nghiên cứu chính sách đặc thù cho lĩnh vực xây dựng cơ bản, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn đầu tư công để bảo đảm tiến độ giải ngân.