Trong số đó, nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%. Tỷ lệ che phủ rừng trên 42,02%. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục mới với 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, cơ cấu sản xuất của ngành tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng ngành, sản phẩm nông, lâm, thủy sản có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt 47,1 triệu tấn. Riêng sản lượng lúa đạt trên 42,7 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gần 7,2 triệu tấn.
Sản lượng thịt hơi các loại khoảng 7,05 triệu tấn; trong đó sản lượng thịt bò, thịt lợn hơi, gia cầm, trứng, sữa đều tăng từ 3,5 - 10,2%. Tổng sản lượng thủy sản 9,03 triệu tấn, tăng 2,7% so với năm 2021.
Cùng với đó thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; kịp thời tháo gỡ nhiều rào cản thương mại, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục mới.
Nhờ đó, ngành có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên trên 3 tỷ USD là: gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; cà phê; gạo; cao su; rau quả; hạt điều.
Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Năm 2022, thành lập mới được 980 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp lên gần 21.000; trong đó có 65% xếp loại khá, tốt và có 1.980 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, 4.180 hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Ông Nguyễn Văn Việt đánh giá, năm 2023 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới; đặc biệt là tác động từ xung đột Nga - Ukraine...
Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn đặt mục tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2023 đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn... Các đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do cho hàng nông sản Việt Nam.
Ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Ngành đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Đồng thời, phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.