Trên đây là thông tin đáng chú ý trong Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2024, do Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB (Singapore) công bố ngày 2/7.
Theo phân tích của các chuyên gia UOB, GDP thực tế của Việt Nam đã tăng 6,93% so với cùng kỳ trong quý II/2024, tiếp nối đà tăng từ mức 5,87% (đã được điều chỉnh tăng so với kết quả công bố trước đây) trong quý I/2024 và các quý trước đó. Tổng cộng, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024, vượt xa mức 3,84% trong nửa đầu năm 2023. Kết quả khả quan này mở ra tín hiệu tích cực cho thời gian còn lại của năm nay sau một năm 2023 đầy thử thách.
Cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tiếp tục hỗ trợ phần lớn hoạt động kinh doanh, trong khi hoạt động ngoại thương vẫn duy trì tốc độ mạnh mẽ trong quý II/2024. Sự gia tăng doanh số ngành hàng bán dẫn kể từ giữa năm 2023 cho thấy động lực này có thể sẽ tiếp tục hơn nữa trong 1-2 quý tới.
Với kết quả hoạt động trong quý II/2024 cao hơn kỳ vọng của thị trường đã tạo ra tín hiệu tích cực, triển vọng cho năm 2024 vẫn tươi sáng. Tuy nhiên, UOB lưu ý rằng, nửa cuối năm nay có thể sẽ chứng kiến hiệu quả hoạt động tăng chậm hơn, do đối chiếu với số liệu cơ sở cao hơn trong nửa cuối năm 2023 cũng như những rủi ro vẫn còn hiện hữu, bao gồm xung đột giữa Nga và Ukrain và xung đột ở Trung Đông có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại và các thị trường năng lượng toàn cầu.
Dẫu vậy, "sự phục hồi nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á cũng như khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sẽ là các yếu tố hỗ trợ cho triển vọng của Việt Nam. Chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6,0% cho năm 2024, so với mục tiêu tăng trưởng từ Chính phủ là 6,0 - 6,5%", Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB nhận định.
Đáng chú ý, nhóm phân tích đánh giá các nhà đầu tư nước ngoài phần lớn nhìn nhận tích cực về triển vọng dài hạn của Việt Nam trong những năm tới. Minh chứng là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký từ đầu năm đến tháng 6 đã tăng 13,1% so với cùng kỳ lên 15,2 tỷ USD, sau mức tăng 13,4% trong quý I/2024. Singapore là nguồn vốn đầu tư lớn nhất với 5,6 tỷ USD, vượt xa Nhật Bản, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Lĩnh vực sản xuất và chế biến chiếm phần lớn đầu tư trong quý II/2024 với tỷ trọng 70,4% (cùng kỳ quý II/2023 chỉ chiếm 63%), tiếp theo là bất động sản (16,3%) và bán buôn và bán lẻ (4%).
Dòng vốn FDI thực hiện (hoặc giải ngân) vào Việt Nam từ đầu năm đến tháng 6 đạt 10,8 tỷ USD, hơn gấp đôi so với mức 4,6 tỷ USD trong quý I/2024. Lưu ý rằng, dòng vốn FDI thực tế vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 23,2 tỷ USD vào năm 2023, vượt qua kỷ lục trước đó là 22,4 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, dòng vốn FDI đăng ký trong năm 2023 tăng 32% lên 36,6 tỷ USD từ 27,7 tỷ USD năm 2022, gần bằng mức cao kỷ lục tỷ USD vào năm 2019.
Những dữ liệu FDI này cho thấy, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc; sự gia tăng cả dòng vốn FDI thực hiện và đăng ký sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước trong các quý tới, bao gồm cả xây dựng và việc làm. Điều này cũng sự khẳng định niềm tin và cam kết của các doanh nghiệp nước ngoài đối với đất nước trong làn sóng phi toàn cầu hóa, giảm rủi ro và chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay.
Liên quan đến vấn đề lãi suất, tỷ giá, báo cáo của UOB cho rằng, sự mất giá gần đây của VNĐ trước đồng USD mạnh lên và tỷ lệ lạm phát gia tăng có thể khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng trong mọi thay đổi về lãi suất chính sách. Với lưu ý rằng đà tăng trưởng hiện tại có thể sẽ giảm bớt trong nửa cuối năm 2024, UOB tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%.
"Với việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu đi trước một bước bằng việc hạ lãi suất trong tháng 6 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể bắt đầu nới lỏng lập trường chính sách trong nửa cuối năm, điều này có thể mở ra cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước đi theo xu hướng chung. Hiện tại, thay vì tiếp tục hạ lãi suất, Chính phủ đang tiếp tục tập trung vào các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế" UOB đánh giá.