Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, thích ứng linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm 2024, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan và đang dần lấy lại đà tăng trưởng.
Theo đó, GDP quý 1 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra và là mức tăng cao nhất trong quý 1 kể từ năm 2020 đến nay. Các động lực tăng trưởng truyền thống đều tăng tích cực; các khu vực quan trọng của nền kinh tế như nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tiếp tục hồi phục.
Hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu chuyển biến tốt, trong quý 1, nền kinh tế ghi nhận gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng so với cùng kỳ.
Theo đại diện VCCI, ngày 5/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 01, 02 không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng mà còn được xem là “chìa khóa” làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; khai mở, tận dụng những động lực mới của năm 2024.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI cũng cho biết thực tế: Với những động lực tăng trưởng mới khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ…, dù các bộ ngành đã kịp thời đề xuất và xây dựng các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng đến nay, nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện.
Đồng quan điểm, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: Kinh tế toàn cầu và Việt Nam phát triển, tăng trưởng trong bối cảnh tiếp tục có sự đan xen của khó khăn và thuận lợi. Với cách tiếp cận toàn diện, kết hợp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được không ít kết quả kinh tế-xã hội tích cực trong quý I/2024. Nếu duy trì tốt đà phục hồi trong các tháng cuối năm, Việt Nam có thể hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024.
"Việt Nam đã tương đối thành công trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, và bảo đảm an sinh xã hội. Đó chính là những nền tảng quan trọng để quyết liệt hơn với những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp tài khóa và tiền tệ, chúng ta cần phải quyết liệt đổi mới tư duy", TS Trần Thị Hồng Minh cho hay.
Theo TS Trần Thị Hồng Minh, Việt Nam cần quyết liệt hơn để cải cách thể chế, giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế, trong đó, thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng.
Đại diện CIEM nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần đẩy nhanh cải cách môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, đặc biệt là theo những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ. Hoàn thiện thể chế liên kết vùng, nhằm tạo động lực cho liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp ở các địa phương theo tư duy chuỗi giá trị để “cùng hợp tác, cùng thắng”.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện cơ chế đặc thù cho phát triển một số vùng kinh tế-xã hội, đô thị lớn; sớm rà soát, hoàn thiện khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế sáng tạo) để tạo không gian kinh tế lớn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo đại diện CIEM, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận các thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách.
“Hoàn thiện và triển khai hiệu quả khung chính sách cải thiện năng suất lao động, gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng kỹ năng và chuyển đổi kỹ năng cho người lao động để thích ứng với các mô hình kinh tế mới, chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức, và thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước. Trong quá trình này, tạo cơ hội và động lực cho doanh nghiệp chủ động tham gia chuyển đổi kỹ năng cho người lao động chính là một yêu cầu quan trọng”, TS Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, Việt Nam cần lưu ý đến một số yếu tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, các rủi ro địa chính trị như bùng nổ căng thẳng tại Trung Đông sẽ làm giá dầu, việc đóng cửa biển Đỏ do chiến sự sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, chiến sự Nga –Ukraine có thể lan rộng ngoài tầm kiểm soát sẽ dẫn đến tổn hại đến dòng chảy thương mại.
Mặt khác, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn đang ngày càng sâu sắc, làm ảnh hưởng tiêu cực đến các dòng vốn và thương mại. Cùng với đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được khơi thông, gần 300.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong năm 2024 có thể tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản không được khơi thông sẽ trở thành điểm nghẽn lớn.
Theo ông Nguyễn Tú Anh, hiện yếu tố thuận lợi còn rất lớn nhưng vẫn còn khó khăn trong nội tại và rủi ro. Tuy nhiên, ông Tú Anh cho biết, nếu các yếu tố thuận lợi được tận dụng tối đa, hạn chế khó khăn và các rủi ro được nhận kiểm soát chặt chẽ, cùng với quyết tâm mạnh mẽ từ Chính phủ, dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% có thể đạt được.