Rốt ráo giải phóng mặt bằng, xác định mỏ vật liệu
Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài khoảng 729 km, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án phải khởi công trước ngày 31/12/2022, triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2022.
Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước phân khai vốn cho các địa phương, các Ban Quản lý dự án (BQLDA) giao thông (đại diện chủ đầu tư) để triển khai dự án; đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều kiện năng lực kinh nghiệm các nhà thầu, quy mô gói thầu, quy trình chỉ định thầu các gói thầu xây lắp.
Qua tìm hiểu, các địa phương có dự án đi qua phải đảm bảo bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023. Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), theo báo cáo của các địa phương, việc kiểm kê tài sản trên đất đã hoàn thành tại 3 dự án Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Hậu Giang - Cà Mau; 9 dự án đang triển khai với mức độ hoàn thành từ 56% - 98%. Các địa phương cũng đã sẵn sàng xác định vị trí các khu tái định cư, thủ tục thu hồi đất, xây dựng khu tái định cư...
Riêng các mỏ vật liệu đất đá, theo rà soát của Bộ GTVT, đến nay, việc khảo sát địa hình, thủy văn đã cơ bản hoàn thành. Các BQLDA giao thông đang chỉ đạo tư vấn triển khai khảo sát mỏ vật liệu, bảo đảm việc cung cấp số liệu cho công tác thiết kế theo từng đợt. Hiện có 2/12 dự án hoàn thành công tác khoan khảo sát hiện trường (Vạn Ninh - Cam Lộ, Cần Thơ - Hậu Giang), 10/12 dự án dự kiến hoàn thành khảo sát hiện trường trong tháng 9/2022.
Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xem xét, hướng dẫn các địa phương xây dựng, công bố giá các loại vật liệu xây dựng có trên địa bàn, giá vật liệu khai thác tại mỏ được sử dụng để thực hiện các gói thầu/dự án thành phần và công bố giá cước vận chuyển tại các địa phương.
Nhằm đảm bảo tiến độ dự án theo Nghị quyết 18 của Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng rà soát, đánh giá lại trữ lượng các mỏ cát hiện có, xác định nhu cầu sử dụng cho các dự án; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để mở thêm các mỏ mới, nhất là đảm bảo nguồn cát đắp nền cho các dự án.
Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 chia thành 30 gói thầu
Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đề xuất chia làm 30 gói thầu, mỗi gói không quá 5.000 tỷ đồng. Dự án này gồm công trình đường bộ cấp 1, công trình hầm đường bộ và cầu đường bộ từ cấp 3 trở lên. Theo quy định của pháp luật về xây dựng và đấu thầu, nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu phải đáp ứng điều kiện: Có chứng chỉ năng lực hạng I đối với công trình đường bộ, chứng chỉ năng lực phù hợp cấp công trình cầu, hầm của gói thầu đang xét; phải có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự về mặt kỹ thuật với tư cách là nhà thầu (có cùng loại và cấp công trình) và có giá trị hợp đồng tương tự tối thiểu 50% giá gói thầu đang xét.
Thực tế, trong 10 năm qua, có khoảng 48 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng công trình giao thông cấp II trở lên có tính chất kỹ thuật tương tự và có giá trị hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 350 tỷ đồng. Trong đó, có 18 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 350 - 500 tỷ đồng; 16 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 500 - 1.000 tỷ đồng; 7 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng; 7 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 1.500 tỷ đồng trở lên.
Đối với tư vấn giám sát (TVGS), trong 5 năm qua có khoảng 27 tư vấn đã tham gia giám sát thi công xây dựng công trình giao thông cấp II trở lên có giá trị hợp đồng từ 2 tỷ đồng trở lên. Về quy mô gói thầu, theo dự án đầu tư được duyệt, tổng mức đầu tư các dự án thành phần có giá trị khoảng 7.643 đến 20.500 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp để lựa chọn nhà thầu tương ứng khoảng 5.932 - 15.131 tỷ đồng.
Trường hợp phân chia gói thầu có quy mô từ 5.000 - 15.000 tỷ đồng, theo số liệu khảo sát, trong 5 năm gần đây, sơ bộ đánh giá chỉ có 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng thi công xây dựng với giá trị 3.642 tỷ đồng, có đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 7.284 tỷ đồng. nếu mở rộng 10 năm gần đây, có 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng thi công xây dựng với giá trị 5.715 tỷ đồng, có đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 11.430 tỷ đồng.
Các nhà thầu được khảo sát còn lại không đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có quy mô từ 5.000 - 15.000 tỷ đồng với tư cách là nhà thầu độc lập, mà phải thành lập tổ hợp (liên danh khoảng 5 - 10 nhà thầu) mới đáp ứng các yêu cầu tối thiểu để tham gia gói thầu.
Từ thực tiễn triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam giai đoạn I (2017 - 2020) cho thấy, nếu phân chia với phạm vi khoảng 20 - 40km/gói thầu sẽ có giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Khi đó, 1 gói thầu thi công xây dựng khoảng 3 nhà thầu liên danh sẽ thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong quá trình tổ chức triển khai thi công và quản lý chi phí đối với các nhà thầu trong liên danh cũng như của chủ đầu tư.
Vì vậy, để đảm bảo lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án, không chia nhỏ gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp khả năng thực hiện của các nhà thầu, Bộ GTVT đề xuất phân chia gói thầu với phạm vi khoảng 20 - 40 km/gói thầu và có giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Khi đó, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II với chiều dài khoảng 729 km, dự kiến chia khoảng 30 gói thầu, số lượng nhà thầu liên danh khoảng 3 nhà thầu/gói thầu.