Tây Ban Nha thành tâm điểm khủng hoảng nợ Eurozone

Ngày 18/6, Tây Ban Nha lại trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ Khu vực đồng euro (Eurozone), sau khi lãi suất đi vay dài hạn ở nước này vọt lên trên ngưỡng 7%, làm tiêu tan hy vọng rằng bầu không khí ở Eurozone phần nào sẽ "dễ thở" hơn sau cuộc bầu cử lại với kết quả khả quan ở Hy Lạp.

 

Bản thân Tây Ban Nha cũng lên tiếng kêu gọi Ngân hàng Trung châu Âu can thiệp để làm dịu sức ép trên thị trường tài chính, sau khi cuộc bầu cử ở Hy Lạp không giúp làm giảm bớt tình trạng căng thẳng về nợ công của Tây Ban Nha và Italia như họ hy vọng.

 

Thị trường lo ngại những mối quan ngại của thị trường rằng cuộc khủng hoảng nợ sẽ lan từ Hy Lạp sang Tây Ban Nha và thậm chí cả Italia - nền kinh tế lớn thứ tư và thứ ba Eurozone - dường như đang mạnh thêm lên thay vì dịu đi. Cuộc bầu cử thành công ngày 17/6 đã giúp đảng Dân chủ Mới theo đường lối bảo thủ và ủng hộ gói cứu trợ của quốc tế của Hy Lạp có đủ số ghế để thành lập liên minh cầm quyền, một liên minh cam kết thực hiện các biện pháp khắc khổ để nhận gói cứu trợ 130 tỷ euro (165 tỷ USD) của EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên, ngay sau khi tăng điểm trước hy vọng rằng nguy cơ Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone lắng dịu, các thị trường cổ phiếu châu Âu đã nhanh chóng đi xuống.

 

Trên thị trường trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này đã vọt từ mức 6,8% cuối tuần trước lên mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999 là 7,061%, mức được đánh giá là không bền vững trong dài hạn. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu chính phủ của Italia hiện cũng ở mức trên 6%.

 

Nhà kinh tế Edward Hugh ở Barcelona nhận định mặc dù cuộc bầu cử lại ở Hy Lạp là thắng lợi cho châu Âu, nhưng trên thực thế tình hình ở Hy Lạp không khả quan hơn, thậm chí còn tệ hơn so với ba tháng trước. Một số nhà kinh tế khác cho rằng kết quả cuộc bầu cử ở Hy Lạp chỉ giúp làm rõ những nghi ngại về kế hoạch cứu trợ đối với Hy Lạp, chứ không thể giúp nước này giải quyết vấn đề.

 

Đối với Tây Ban Nha, phản ứng của thị trường không phải là tin tốt lành. Giới đầu tư lo ngại về rủi ro liên quan đến gói cứu trợ dành cho Tây Ban Nha mặc dù các nước Eurozone hôm 9/6 đã nhất trí cho Mađrít vay lên tới 100 tỷ euro để vực dậy các ngân hàng nước này đang điêu đứng vì sự xuống dốc của thị trường bất động sản. Nhà kinh tế quốc tế Federico Steinberg thuộc viện Elcano Royal Institute cho rằng đợt phát hành trái phiếu ngày 21/6 tới sẽ là chỉ số rõ nét hơn cho thấy tâm trạng của thị trường.

 

IMF cuối tuần qua cảnh báo Tây Ban Nha phải tiến hành các cuộc cải cách sâu rộng để giành lại lòng tin của thị trường ngay cả sau khi đạt được khoản cho vay để giải cứu các ngân hàng đang gặp khó khăn của nước này. Trong đó, những vấn đề khó khăn nhất là tăng thuế giá trị gia tăng, cắt giảm lương khu vực nhà nước trong tương lai và tách biệt những ngân hàng trên bờ vực phá sản với những ngân hàng không cần trợ giúp và những ngân hàng có thể tồn tại nhưng cần hỗ trợ.

 

Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha hôm đầu tuần cho hay các nợ công của nước này trong quý I/2012 đã tăng lên tương đương 72,1% GDP, so với 63,6% GDP cùng kỳ năm 2011. Chính phủ Tây Ban Nha dự báo nợ công của đất nước sẽ lên tới 79,8% GDP vào cuối năm 2012, trong khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service cho rằng nợ của Tây Ban Nha sẽ chạm mức 90% GDP trong năm 2012.

 

Như Mai (Theo AFP, Reuters)

Giới tài chính hối thúc châu Âu mạnh tay với nợ công
Giới tài chính hối thúc châu Âu mạnh tay với nợ công

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho rằng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)thiếu hụt cơ chế chung để "bơm" vốn trực tiếp vào các ngân hàng. Còn chính phủ các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và châu Âu đã cam kết đóng góp thêm khoảng 340 tỷ USD nhằm giúp Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN