Thách thức trong khai thác dầu thô 2018

Mặc dù kế hoạch khai thác dầu thô đã được điều chỉnh thấp hơn kế hoạch năm 2017 gần 1 triệu tấn, nhưng với những khó khăn mà PVN đang đối mặt thì mục tiêu này sẽ là thách thức rất lớn với ngành dầu khí trong năm 2018.

Chồng chất khó khăn

Chiếm 60% sản lượng khai thác dầu khí của toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từ trước tới nay, mỏ Bạch Hổ - mỏ dầu khí lớn nhất cả nước đang trong tình trạng suy kiệt và có thể chỉ khai thác được trong 4 - 5 năm tới.

Tổng Giám đốc Liên doanh Dầu khí Việt Nga (Vietsovpetro) Từ Thành Nghĩa đã cảnh báo như vậy tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của PVN vừa qua.

Thách thức trong khai thác dầu thô 2018. Ảnh: Huy Hùng- TTXVN


Theo ông Nghĩa, khó khăn lớn nhất của Liên doanh hiện nay chính là tình hình suy giảm mạnh sản lượng tại các mỏ lớn đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ khai thác như Bạch Hổ và Rồng.

Trong khi đó, các mỏ mới đưa vào khai thác như Gấu Trắng, Thỏ Trắng đều là các mỏ nhỏ. Vì vậy, kế hoạch khai thác 4 triệu tấn dầu/năm cũng là thách thức rất lớn với Liên doanh trong năm 2018.

Bày tỏ sự lo lắng, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn thừa nhận, hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và đang ở giai đoạn cuối với hệ số suy giảm sản lượng tự nhiên từ 15 - 30%/năm.

Thêm vào đó, tình trạng ngập nước nhanh tại nhiều mỏ do khai thác cao trong những năm vừa qua như Hải Sư Trắng, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Rạng Đông với mức độ ngập trên 60%. Một số mỏ còn xuất hiện cát trong giếng hoặc lắng đọng muối tiềm ẩn rủi ro làm giảm sản lượng khai thác của toàn PVN trong năm 2018 và các năm tới đây, ông Sơn chỉ rõ.

Theo Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, năm 2017 là năm khó khăn nhất của PVN trong 40 năm xây dựng và phát triển khi hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí để gia tăng trữ lượng chỉ đạt 4 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược từ 28 - 42 triệu tấn/năm.

Trước đây, PVN thường đầu tư trên 2 tỷ USD để khoan từ 30 - 40 giếng thăm dò và gia tăng được 35 - 40 triệu tấn quy dầu/năm, nhưng từ năm 2015 lại đây, đầu tư của PVN và đối tác nước ngoài đã giảm 5 lần so với trước.

Giữ trọng trách trực tiếp phụ trách mảng tìm kiếm thăm dò của Tập đoàn, Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết, trữ lượng dầu khí đang là vấn đề lo ngại số 1 của PVN bởi trữ lượng dầu khí hôm nay chính là kết tinh công sức tìm kiếm thăm dò dầu khí của rất nhiều thế hệ người dầu khí đi trước.

“Tất cả đều bắt đầu từ tìm kiếm thăm dò”. Thiếu thăm dò sẽ thiếu trữ lượng để khai thác, kéo theo không đủ dầu cho các nhà máy lọc hóa dầu, không đủ khí để cung cấp cho sản xuất điện và sản xuất phân đạm. Hệ luỵ này không chỉ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng, sản xuất nông nghiệp quốc gia mà còn là không có công ăn việc làm cho người lao động, ông Lâm nhấn mạnh.

Chỉ rõ nguyên nhân chính khiến gia tăng trữ lượng không đạt mục tiêu, đại diện Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) Ngô Hữu Hải cho biết, mặc dù giá dầu đã phục hồi đáng kể, nhưng 2017 vẫn là năm thứ ba liên tiếp PVEP phải đối mặt với áp lực tài chính. Trong khi đó, cơ chế tài chính cho doanh nghiệp tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí nhiều năm qua vẫn chưa có sự thay đổi phù hợp với tình hình thực tế.

Vì vậy, PVEP không thể cân đối nguồn tài chính cho phát triển khai thác bổ sung các giếng mới khi sản lượng tại các giếng cũ sụt giảm và tài chính cho tìm kiếm thăm dò phát hiện dầu khí mới để gia tăng trữ lượng.

Giải pháp tình thế

Theo Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Quỳnh Lâm, hiện có hai nguồn tiền có thể dùng cho tìm kiếm thăm dò dầu khí là từ phía nước ngoài và phía Việt Nam đóng góp. Thực tế cho thấy, Vietsovpetro với cơ chế linh hoạt hơn giữa hai Chính phủ nên vấn đề nguồn tiền cho Quỹ Tìm kiếm thăm dò đã được xử lý.

Trong khi đó, phần còn lại của PVN mà PVEP là người đại diện tham gia vào các dự án dầu khí thì lại chưa được phê duyệt. PVEP có mặt trong tất cả các dự án có yếu tố nước ngoài và nếu PVEP không có tiền đóng góp thì các dự án dầu khí này cũng không thể triển khai được, ông Lâm cảnh báo.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều lệ của Tập đoàn và PVN mong Chính phủ cũng sớm phê duyệt Quy chế tài chính cho Tập đoàn để có căn cứ pháp lý trích Quỹ tìm kiếm thăm dò. Những năm trước đây, khoản tiền đầu tư cho tìm kiếm thăm dò khá lớn, có lúc thành công và cũng có lúc thất bại, nhưng đó là quy luật chung của nghề tìm dầu trên thế giới. Vì vậy, khoản đầu tư tìm kiếm thăm dò không thành công cần phải được hạch toán theo đúng thông lệ quốc tế. Chứ như hiện nay không có cơ chế xử lý và để tích tụ lại thì chẳng khác nào “gông đeo lên cổ”, ông Lâm giãi bày.

Tổng Giám đốc PVEP Ngô Hữu Hải cho biết, nguồn vốn cho tìm kiếm thăm dò năm 2018 của PVEP hiện đang thiếu ít nhất 150 triệu USD. Chỉ tiêu sản lượng khai thác của Tổng Công ty năm 2018 cũng sẽ sụt giảm khoảng 1 triệu tấn dầu quy đổi so với năm 2017. Hiện PVEP đang triển khai các giải pháp cải thiện điều kiện tài chính, xếp hạng các dự án đầu tư để tạm dừng/giãn, tiết giảm chi phí, tái cơ cấu danh mục dự án, tái cơ cấu tổ chức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Để PVEP có thể hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018, Chính phủ, các Bộ, ngành và PVN cần sớm giải quyết nhằm giúp PVEP không phải nộp bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại là 4.807 tỷ đồng bởi khoản thuế này đã được nộp đầy đủ theo từng hợp đồng dầu khí. Bên cạnh đó, cho phép hoàn trả PVN/PVEP phần lợi nhuận 5.633 tỷ đồng đã nộp thừa năm 2014 để thực hiện phân bổ các giếng khoan tìm kiếm thăm dò không thành công năm 2014 của PVEP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/6/2016.

Ông Nguyễn Quỳnh Lâm cũng cho hay, trong lúc chờ quy chế tài chính được phê duyệt, với tình hình tài chính hiện nay, PVN/PVEP sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp tình thế thông qua việc mời các nhà thầu dầu khí nước ngoài tham gia một số lô dầu khí và nhường lại vai trò điều hành để họ đóng góp phần tài chính cần thiết thay cho PVN/PVEP như năm 2017.

Bên cạnh đó, PVN bám sát diễn biến giá dầu năm 2018 để cân đối hợp lý sản lượng khai thác của từng mỏ so với giá thành; đồng thời ứng dụng triệt để các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả khai thác dầu khí. Ngoài ra, PVN sẽ điều phối hợp lý giữa sản lượng khai thác, xuất khẩu và chế biến để đảm bảo hiệu quả giữa chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng và hiệu quả của chính PVN.

Anh Nguyễn (TTXVN)
Khai thác dầu thô tiếp tục vượt kế hoạch
Khai thác dầu thô tiếp tục vượt kế hoạch

Sản lượng khai thác dầu thô 11 tháng năm 2017 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều vượt kế hoạch được giao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN