Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh những yêu cầu về năng suất và chất lượng, các đối tác nước ngoài đang ngày càng có xu hướng đặt ra thêm những yêu cầu liên quan đến xã hội, môi trường trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp. Những quy định này yêu cầu các doanh nghiệp phải tra soát, đánh giá và giảm thiểu rủi ro vi phạm các tiêu chuẩn về lao động và môi trường trên toàn chuỗi cung ứng.
Xuất phát từ một quốc gia có số lượng lớn doanh nghiệp và lực lượng lao động sản xuất và gia công cho các nhãn hàng dệt may và da giày của châu Âu, tại hội thảo, các diễn giả phía Việt Nam bày tỏ sự quan tâm và những băn khoăn trước bối cảnh trách nhiệm tra soát ngày càng được yêu cầu chặt chẽ từ phía các quốc gia tiêu thụ.
Tính đến tháng 2/2023, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu các sản phẩm dệt may và da giày lớn nhất thế giới. Trong giai đoạn 2015 - 2022, tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu của hai ngành dệt may, da giày không ngừng gia tăng, đạt mức trung bình là 64,3%. Trong đó, sản lượng xuất khẩu sang thị trường châu Âu luôn chiếm tỷ trọng lớn. Theo số liệu báo cáo chính thức của ngành, kim ngạch xuất khẩu của dệt may sang các nước EU trong năm 2022 là 4,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, còn da giày là 6,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 24,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Hoạt động kinh doanh của các công ty đa quốc gia và các chuỗi cung ứng dệt may, da giày toàn cầu đã mang lại tăng trưởng cao về mặt kinh tế và việc làm. Tuy nhiên, các thực hành mua hàng thiếu trách nhiệm, các vi phạm về quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng dệt may, da giày còn diễn ra tương đối phổ biến. Sự ra đời của Bộ Nguyên tắc hướng dẫn về kinh doanh và quyền con người của Liên hợp quốc năm 2011 và Hướng dẫn của OECD về tra soát các chuỗi cung ứng có trách nhiệm trong ngành may mặc và giày dép năm 2017 nhằm mục tiêu góp phần giảm thiểu tình trạng này. Mặc dù vậy, số lượng công ty đa quốc gia, nhãn hàng thực hiện tốt các nguyên tắc và hướng dẫn này còn hạn chế.
Do đó, nhiều nước châu Âu đã ban hành các quy định mang tính bắt buộc để thúc đẩy các thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Năm 2021, Chính phủ Đức ban hành Luật về Trách nhiệm tra soát của doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa các vi phạm về quyền con người trên toàn chuỗi cung ứng (LkSG). Nhiều quy định khác cũng đang được dự thảo và dự kiến sẽ sớm được ban hành như Chỉ thị của EU về Trách nhiệm tra soát tính bền vững của doanh nghiệp, Luật về trách nhiệm tra soát môi trường và quyền con người của Hà Lan, Lệnh cấm lao động cưỡng bức của EU...
Những biến chuyển này vừa mang đến thách thức cho các nhãn hàng và doanh nghiệp cung ứng trong chuỗi giá dệt may, da giày nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các bên đẩy mạnh các sáng kiến hợp tác, thực hành mua hàng có trách nhiệm, tăng cường năng lực sản xuất và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chia sẻ, trong bối cảnh có rất nhiều bộ tiêu chuẩn, quy định khác nhau liên quan đến thực hành và tra soát kinh doanh có trách nhiệm của ngành, của các nhãn hàng quốc tế và của các quốc gia thị trường, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải đáp ứng yêu cầu của nhiều bên. Cơ quan nhà nước cần phát huy vai trò điều hành thông qua việc rà soát các tiêu chuẩn và quy định pháp luật trong nước để đảm bảo tinh thần của các yêu cầu này được phản ánh trong luật pháp, chính sách của quốc gia. Khi doanh nghiệp thực hiện tốt luật pháp trong nước là có thể đáp ứng ở mức căn bản được các yêu cầu.
Bên cạnh vai trò của nhà nước, các nhãn hàng và các nhà cung ứng cũng phải chủ động và tăng cường các đối thoại để cùng hợp tác thực hiện, hướng đến đồng bộ hóa các yêu cầu từ các bên khác nhau. Các nhãn hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất để họ có thêm nguồn lực thực hiện việc cải thiện một cách thực chất, nâng cao năng suất và đảm bảo quyền của người lao động.
Ông Lưu Tiến Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, vì người lao động là yếu tố quan trọng nhất, là động lực mạnh mẽ nhất cho sự phát triển của ngành. Chính vì vậy, để đạt được hiệu quả tối đa trong tra soát các vấn đề quyền con người trong chuỗi cung ứng, cần có cam kết rõ ràng của các bên, định rõ được trách nhiệm của từng bên và cách thức hợp tác, chia sẻ trách nhiệm. Thực hiện tra soát chuỗi cung ứng áp dụng ở cấp độ doanh nghiệp nên bắt đầu với các doanh nghiệp tiên phong, những doanh nghiệp có mức độ cam kết, nhận thức cao hơn và có năng lực, nguồn lực để triển khai.