Thách thức với người trồng cao su

Mặc dù trong những năm gần đây, ngành công nghệ về vật liệu mới đã phát triển rất mạnh nhưng cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể thay thế cao su tự nhiên bằng các chất liệu nhân tạo khác trong việc sản xuất lốp của các phương tiện vận tải như máy bay, xe tải và xe buýt. Loại vật liệu sinh học này vẫn là sự lựa chọn đầu tiên của các nhà sản xuất săm lốp trên thế giới.


Bất chấp giá trị như vậy của cao su tự nhiên, trong những năm gần đây, người trồng cao su trên khắp thế giới vẫn thường xuyên phải đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu do sự biến động bất thường về mặt giá cả của mặt hàng này trên thị trường thế giới.


Khi cung cầu mất cân bằng


Hiện tại, cao su tự nhiên đang chịu sức ép giảm giá lớn trong bối cảnh lượng cung của vượt quá nhu cầu năm thứ ba liên tiếp và các quốc gia xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới đã ngừng thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Theo tập đoàn RCMA Commodities Asia Group, trong năm nay, lượng dư cung về cao su tự nhiên sẽ tăng 57% lên 490.000 tấn. Con số này đủ đáp ứng nhu cầu về cao su của Mỹ trong 6 tháng.

Người trồng cao su khắp thế giới thường xuyên phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh Internet


Nhà phân tích Kazuhiko Saito thuộc Công ty Fujitomi nhận định mặc dù việc sản lượng xe hơi toàn cầu đạt mức kỷ lục đã phát đi tín hiệu về việc nhu cầu sản xuất lốp gia tăng, song nhu cầu từ ngành này vẫn không thể "ngốn hết" lượng cung cao su dư thừa trên thị trường thế giới.


Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) ước tính Trung Quốc - nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới - sẽ giảm 14% lượng cao su nhập khẩu. Hiện tại, Trung Quốc đang chiếm 33% nhu cầu cao su toàn cầu. Chris Pardey, Giám đốc điều hành RCMA, đánh giá nhu cầu cao su của châu Âu, Trung Quốc, Mỹ đều giảm. Do đó, nếu các chính phủ không can thiệp, thị trường cao su sẽ diễn biến theo hướng tiêu cực.


Cùng với sự mất cân bằng cung - cầu cao su, tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền trên thế giới, nhất là tỷ giá giữa đồng yên và USD, là một nhân tố quan trọng khác tác động đến sự lên xuống của giá cao su.


Xuất hiện các vật liệu thay thế


Không chỉ đối mặt với các thách thức do sự mất cân bằng cung - cầu và sự bấp bênh về giá cả, người trồng cao su ở các nước đang phải đối mặt với nguy cơ đang lớn dần do sự xuất hiện của các loại vật liệu thay thế. Gần đây, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Fraunhofer tại Đức đã phát hiện nhựa trong cây bồ công anh có chứa cao su thô cùng chất lượng như các cây cao su hiện nay.


Người Đức, Nga và Mỹ đã từng sản xuất cao su từ cây bồ công anh vào thời Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, khi cây này được cắt ra, chất nhựa mủ thường bị polymer hóa, khiến việc sản xuất hàng loạt trở nên khó khăn. Đến nay, các nhà nghiên cứu Đức đã xác định được enzyme tác động đến quá trình polymer hóa và đã cách ly nó. Giáo sư Dirk Prufer thuộc nhóm nghiên cứu cho biết “khi cắt cây bồ công anh, nhựa mủ sẽ chảy ra mà không còn bị polymer hóa. Chúng tôi thu được một lượng nhựa cao gấp 4 - 5 lần so với bình thường”.


Mặc dù việc sản xuất thương mại cao su từ cây bồ công anh vẫn chỉ nằm trong các dự án tương lai, song tập đoàn Continental AG đang làm việc với một tập đoàn để khai thác tiềm năng của cây bồ công anh của Nga, vốn cho sản lượng cao su cao hơn các loại khác.


Ngoài ra, hãng chế tạo lốp Goodyear đang có kế hoạch sử dụng dầu đậu tương như là một loại nguyên liệu thay thế cho dầu mỏ trong sản xuất lốp xe. Goodyear cho rằng, việc thay thế dầu mỏ bằng dầu đậu tương là một bước đột phá trong công nghệ chế tạo lốp xe. Quá trình nghiên cứu cho thấy, so với dầu mỏ, loại dầu này kết hợp tốt hơn với hợp chất silica để chế tạo lốp xe. Đồng thời, loại lốp này có tuổi thọ tăng thêm 10% và giúp giảm tiêu thụ năng lượng tại nhà máy trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, giá trị kinh tế được thấy rõ bằng việc Goodyear ước tính sẽ tiết kiệm được 7 triệu gallon dầu (26,5 triệu lít) mỗi năm.

Trà My

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN