Thâm canh sầu riêng theo tiêu chí VietGAP

Thâm canh theo tiêu chí VietGAP để sản phẩm đạt chất lượng cao và mang lại hiệu quả kinh tế bền vững là hướng đi tất yếu đang được các cấp, ngành tỉnh Tiền Giang khuyến khích nông dân vùng chuyên canh sầu riêng áp dụng. Một trong những người đi tiên phong, gặt hái thành công là anh Phạm Văn Sắt, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh.

Chú thích ảnh
Sầu riêng tươi để xuất khẩu. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Anh Sắt (sinh năm 1988, ngụ tại ấp I, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) gắn bó và tạo dựng cơ nghiệp với cây sầu riêng từ nhiều năm nay. Gia đình anh có 1 ha đất trồng sầu riêng chuyên canh tại ấp I, xã Cẩm Sơn. Thửa vườn này, anh trồng được 210 gốc sầu riêng nay đã 10 năm tuổi với các giống Ri6 và Mong Thong chất lượng cao.

Sầu riêng phù hợp thổ nhưỡng vùng đất Cẩm Sơn, trồng sau 5 năm tuổi đã bắt đầu cho trái. Những năm về sau, cây cho năng suất ổn định, bình quân từ 18 - 20 tấn quả/ha. Tuy nhiên, theo anh Sắt, để vườn sầu riêng đạt năng suất cao, chất lượng quả tốt, bán có giá, người trồng phải quan tâm đến việc chọn giống tốt, áp dụng đồng bộ biện pháp khoa học kỹ thuật thâm canh theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, tài liệu kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm thực tế.

Bản thân anh luôn tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng sầu riêng đạt kết quả tốt thông qua các kênh thông tin cũng như tham quan mô hình trồng sầu riêng hiệu quả cao của nông dân giỏi trong vùng chuyên canh. Từ đó, đúc kết kinh nghiệm và áp dụng vào thực tế sản xuất của mình.
 
Để vườn cây sung mãn phải có chế độ chăm sóc phù hợp, chú trọng sử dụng nhiều phân hữu cơ, phân chuồng và hạn chế dùng phân vô cơ. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, áp dụng công nghệ và cơ giới hóa các khâu canh tác, giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất... Khi cây lớn, đến tuổi cho thu hoạch, cần áp dụng kỹ thuật xử lý cho trái vào "mùa nghịch" để bán được giá cao, tránh tình trạng trúng mùa, mất giá.

Thông thường, thời điểm xử lý vụ nghịch vào khoảng tháng 4, 5 âm lịch để có trái thu hoạch vào tháng 10, 11 âm lịch. Năm đầu tiên áp dụng kỹ thuật xử lý nghịch vụ vào năm 2017, khi vườn cây đạt 5 năm tuổi, anh Sắt thu được 12 tấn quả, bán giá 35.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi ròng 230 triệu đồng.

Từ kinh nghiệm của vụ nghịch đầu tiên, hàng năm, anh đều xử lý nghịch vụ để bán được giá cao. Năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 hoành hành nhưng gia đình anh vẫn thu hoạch đạt sản lượng 18 tấn quả nghịch vụ, bán giá 50.000 đồng/kg, thu lợi nhuận ròng trên 700 triệu đồng.

Còn trong niên vụ 2023, vườn sầu riêng của anh cho sản lượng không dưới 20 tấn quả. Với giá thương lái thu mua hiện nay khoảng 100.000 đồng/kg, dự kiến trừ chi phí anh lãi ròng không dưới 1,2 tỷ đồng.

Hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất sầu riêng an toàn, đầu ra ổn định và hiệu quả bền vững, anh Phạm Văn Sắt gia nhập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Sơn và đăng ký sản xuất theo quy trình VietGAP. Theo anh Sắt, làm ăn tập thể kiểu mới mang lại cho nông dân nhiều lợi ích rất thiết thực. Hợp tác xã cung cấp vật tư nông nghiệp với giá ổn định, sản phẩm đảm bảo chất lượng và chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu đầu ra. Đồng thời, còn mở ra hướng liên kết sản xuất bền vững, tạo nguồn nông sản đạt chất lượng xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Được hướng dẫn về quy trình thâm canh VietGAP, anh Sắt xây dựng kho chứa vật tư nông nghiệp riêng biệt, thực hiện việc ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng đúng danh mục phân và thuốc bảo vệ thực vật cho phép, có thời gian cách ly trước khi thu hoạch đảm bảo không còn dư lượng thuốc trong trái sầu riêng…

Năm 2020, vườn sầu riêng của anh Phạm Văn Sắt được công nhận đạt các tiêu chí và cấp chứng nhận sản xuất VietGAP, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, an tâm về đầu ra sản phẩm mà còn bảo đảm sức khỏe, bảo vệ môi sinh, môi trường.

Năm 2023, anh Sắt đăng ký với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Sơn làm thủ tục để được cấp mã số vùng trồng cho vườn sầu riêng chuyên canh của mình nhằm đảm bảo các điều kiện cần và đủ cho trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Canh tác theo tiêu chí VietGAP, thực hiện tốt các bước mà ngành chức năng hướng dẫn để được cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là những bước đi cần thiết trên chặng đường hội nhập của ngành hàng sầu riêng trong giai đoạn mới. Từ đó, giúp nông dân vùng chuyên canh phát huy tiềm năng và thế mạnh cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh làm giàu bền vững - anh Sắt nhận xét.

Nhiều năm nay, nhờ vườn sầu riêng VietGAP mà gia đình anh Sắt có thu nhập cao, cuộc sống ngày càng khấm khá, tạo dựng cơ nghiệp vững vàng, trở thành tấm gương làm giàu trên đất Cẩm Sơn. Từ đó, anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm thâm canh sầu riêng với người dân địa phương, hưởng ứng đóng góp hàng chục triệu đồng vào các nguồn quỹ Vì người nghèo, hỗ trợ gia đình chính sách neo đơn, hộ nghèo và góp công sức xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn Nguyễn Văn Út đánh giá cao tấm gương cần cù lao động, nắm bắt khoa học công nghệ thâm canh cây trồng hiệu quả của anh Phạm Văn Sắt, nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương. Đặc biệt, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và thâm canh sầu riêng theo tiêu chí VietGAP mang lại hiệu quả của anh Phạm Văn Sắt có sức lan tỏa rộng.
 
Theo gương anh, nông dân xã Cẩm Sơn tích cực chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang hình thành vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu trên 850 ha cho sản lượng hàng năm gần 20.000 tấn quả; trong đó, gần 100% diện tích áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cơ giới hóa các khâu canh tác, xử lý cho trái mùa nghịch đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, 39 hộ dân trong xã còn áp dụng tiêu chí VietGAP trong thâm canh sầu riêng trên tổng diện tích 35 ha.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã tặng Bằng khen cho anh Phạm Văn Sắt về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tỉnh Tiền Giang 5 năm (2017 - 2022).

Minh Trí (TTXVN)
Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào Trung Quốc
Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào Trung Quốc

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 1,359 triệu tấn sầu riêng Việt Nam, với tổng giá trị 6,4 tỷ USD, sản lượng tăng 88% và giá trị tăng 81% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, Việt Nam trở thành nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào Trung Quốc và đứng thứ nhất về tốc độ tăng trưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN