Năm năm qua, việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tín dụng chính sách xã hội đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tạo sự ổn định trong đời sống xã hội, giúp người nghèo có cơ hội tạo việc làm mới, ngành nghề mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 21 chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai, tăng tám chương trình so với trước khi có Chỉ thị 40; tổng dư nợ đạt 9.156 tỉ đồng với 262.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng. Tăng trưởng tín dụng trong năm năm đạt 2.164 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 6,9%/năm. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 424.200 lượt hộ được vay vốn với số tiền 12.551 tỉ đồng.
Trong quá trình triển khai Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay các huyện miền núi, huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của tỉnh. Tín dụng chính sách đã giúp cho trên 21.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng trên 173.000 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn và gần 9.000 căn nhà ở giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định: Hoạt động tín dụng chính sách xã hội thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Tín dụng chính sách xã hội cũng đã trở thành một trong những trụ cột tích cực, quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, hội nghị đã dành nhiều thời gian để thảo luận những vấn đề liên quan đến thực tế triển khai Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hội nghị làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số giải pháp thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về lĩnh vực này trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Lý đánh giá cao những kết quả đạt được qua năm năm triển khai Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Với hiệu quả đã được chứng minh, tín dụng chính sách xã hội không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về chính trị, xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng với nhân dân, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa; đồng thời giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Để việc triển khai Chỉ thị đem lại nhiều hiệu quả tích cực, tỉnh Thanh Hóa cần tích cực, quyết liệt trong tham mưu và thực hiện các giải pháp nhằm triển khai tốt nhất Chỉ thị ở địa phương. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, thực hiện các chương trình mang lại hiệu quả rõ nét hơn, tránh dàn trải.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen cho 23 tập thể và 51 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.