Tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh trồng thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang, thương lái hiện thu mua tại vựa với giá 42.000 đồng/kg (loại I), 37.000 đồng (loại II), 32.000 đồng/kg (loại III), 23.000 đồng/kg (loại III), riêng thanh long ruột trắng có giá từ 14.000 – 16.000 đồng/kg.
Giá thu mua thanh long cuối mùa chính vụ năm nay cao gấp 3 lần so cùng thời điểm năm trước. Thanh long hiện nay có giá cao vì mùa chính vụ đã sắp hết, hầu hết các vườn đã sắp hết trái nên nguồn cung thấp hơn cầu. Với giá này, nông dân vùng chuyên canh thu lãi từ 300 - 350 triệu đồng/ha.
Anh Võ Phú Cường, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, trồng 0,4 ha thanh long, vừa thu hoạch 7 tấn thanh long cuối mùa với giá 24.000 đồng/kg được gần 170 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Anh cho biết, thanh long chính vụ năm nay có giá cao gấp 2-3 lần năm 2022 nên người trồng có thu nhập cao, yên tâm đầu tư cho cây thanh long, tiếp tục chăm sóc vườn để chuẩn bị cho sản xuất nghịch vụ (xử lý ra hoa trái vụ bằng cách xông đèn).
Là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có 6.700 ha thanh long, diện tích thanh long đang cho trái là 5.850 ha với sản lượng thu hoạch 190.000 tấn/năm. Trong số đó, diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 2.200 ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên 300 ha. Thanh long Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tại vùng chuyên canh, địa phương hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác quy tụ nông dân, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP cho ra sản phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc, tăng cường quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, vùng trồng thanh long xuất khẩu của tỉnh đã đạt gần 9.000 ha, chủ yếu trồng giống thanh long ruột đỏ, cho sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 200.000 tấn trái cung ứng thị trường xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2.300 ha diện tích thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó có 2.196 ha đạt chứng nhận VietGAP và 110 ha đạt chứng nhận GlobalGAP.
Tiền Giang đã có 33 mã số vùng trồng cấp xuất sang thị trường Trung Quốc cùng 5.493 ha, 92 mã số vùng trồng xuất sang thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia với 1.271 ha. Đây được coi là giấy thông hành quan trọng để thanh long Tiền Giang có thể thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường khó tính trên khắp thế giới. Tỉnh đang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 3.600 ha diện tích thanh long đạt tiêu chí GAP.
Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường, tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hình thành các hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, chuyển giao khoa học - công nghệ thâm canh, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cùng các thị trường khó tính…
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 11 hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ thanh long, 80 kho lạnh bảo quản nông sản với công suất 16.000 tấn, trên 2.300 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.