Thành phố Hồ Chí Minh phát huy vai trò đầu tàu kinh tế cả nước

Cùng với những kết quả phát triển ấn tượng chung của cả nước, trong năm 2017 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để bước vào năm 2018 và những năm tiếp theo, xứng đáng vai trò đầu tàu về kinh tế của khu vực cũng như cả nước.

Nhiều dấu ấn quan trọng

Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X; năm đầu tiên thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách địa phương giai đoạn 2017-2020, với tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố giảm từ 23% còn 18%; là năm thành phố tham gia tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như Năm APEC 2017, Lễ hội văn hóa thế giới Thành phố Hồ Chí Minh - Gyeongju, các hoạt động kỷ niệm thiết lập ngoại giao với một số nước như Lào, Campuchia... 

Trong bối cảnh đó, theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng với những nỗ lực, cố gắng mạnh mẽ và quyết liệt của các cấp các ngành, các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội năm 2017 của Thành phố tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả mang tính toàn diện; góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân.

Thành phố Hồ Chí Minh phát huy vai trò đầu tàu kinh tế cả nước. Ảnh: Báo ảnh Việt Nan

Những kết quả đạt được của Thành phố đã được thể hiện sinh động qua những chỉ số phát triển kinh tế ấn tượng. Đó là tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng trưởng 8,25%, cao hơn so với cùng kỳ (8,05%). Cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh. Xuất khẩu hàng hóa đạt 35,2 tỷ USD, tăng 15,1%; nhập khẩu đạt 43,1 tỷ USD, tăng 13,2%. Đầu tư trong nước bao gồm vốn đăng ký và bổ sung đạt hơn 899.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 6, tỷ USD, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ. Lượng kiều hối đạt 5,2 tỷ USD với 70% được đưa vào đầu tư là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,9%, bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí - chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, công nghiệp hóa chất - nhựa - cao su, chế biến tinh lương thực - thực phẩm) tăng bình quân 15,5%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành. Khu công nghệ cao nâng cao hiệu quả hoạt động với giá trị sản xuất đạt 12 tỷ USD.

Đặc biệt, Thành phố đã nỗ lực thực hiện tốt công tác thu ngân sách với kết quả đạt 347.982 tỷ đồng, đạt 100,03% dự toán, tăng 12,94%. Những kết quả đạt được của  ngành Tài chính trong năm 2017 là sự nỗ lực đáng ghi nhận và cần được khích lệ, vì đã đóng góp thiết thực cũng như đảm bảo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Ngoài ra, đó cũng là sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân Thành phố.

Trước những thách thức lớn đang đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, đồng thời trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Thành phố đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và thực hiện ngày càng có hiệu quả việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là tận dụng tốt thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Tháng 11/2017, Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức công bố Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh”. Thành phố xác định tầm nhìn đến năm 2025 là lấy phát triển kinh tế cao, bền vững là mục tiêu, khai thác tốt nhất các nguồn lực là nền tảng, người dân của đô thị là trung tâm.  

 Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Nhờ triển khai đề án đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 giúp năng suất lao động và khả năng quản lý được cải thiện. Tăng trưởng kinh tế của Thành phố cũng từng bước đi vào chiều sâu, đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng.

Mức tăng trưởng tốt của năm 2017 sẽ tạo đà để kinh tế Thành phố trong năm 2018 và những năm tiếp theo đạt được con số cao hơn. Thêm vào đó, với việc thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54, có thể kỳ vọng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả giai đoạn 2015 - 2020 ở mức cao là 8,5%.

Phát triển nhanh và bền vững hơn

Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X; năm đầu tiên Thành phố tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội, cho phép Thành phố thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để Thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn, chắc chắn sẽ tạo tiền đề tốt cho việc triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018 và những năm tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, các cơ chế, chính sách thí điểm này sẽ khơi thông, mở ra các nút thắt về tài chính, đất đai, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực phục vụ hành chính công, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ tốc độ phát triển các ngành kinh tế cao hơn các năm trước, cùng với những thuận lợi trong quá trình hội nhập, thu hút đầu tư trong và ngoài nước sẽ góp phần tạo lực đẩy cho tăng trưởng.

Thành phố sẽ tập trung nghiên cứu bổ sung, ban hành ngay trong tháng 6/2018 các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Thành phố để thực hiện Kết luận 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội. Đồng thời khẩn trương tham mưu trình các bộ, ngành xem xét, sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, nghị định, thông tư trong tháng 12/2018 để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù để Thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Nghị quyết 54 chính là “cởi trói” cho đầu tàu kinh tế cả nước, tạo điều kiện cho Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá. Doanh nghiệp của Thành phố khá năng động, họ cần môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và bình đẳng. Với Nghị quyết được xem là tạo sự “thông thoáng” thì khả năng doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn tại đây. Thành phố cũng nằm ở vị trí khá thuận lợi trong khu vực, nếu có cơ chế thông thoáng thì Thành phố sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Chia sẻ về những vấn đề cần lưu ý khi triển khai Nghị quyết này, Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Văn Trình cho rằng: Thách thức lớn nhất trong việc thực hiện cơ chế đặc thù chính là con người, nguồn nhân lực vận hành cơ chế này. Khi được trao quyền tự quyết thì cũng đồng nghĩa là sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phụ thuộc vào hiệu quả tự vận hành nền kinh tế. Vì vậy, Thành phố cần nguồn nhân lực chất lượng, có năng lực và năng suất làm việc hiệu quả.


Để phát huy được tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế theo cơ chế đặc thù, lãnh đạo Thành phố cần tập trung triển khai ngay các nội dung được trao quyền tự chủ, đồng thời tập trung tối đa nguồn nhân lực để vận hành cơ chế một cách hiệu quả và thực hiện đồng bộ các nội dung từ cấp Thành phố đến các quận, huyện. Bên cạnh đó, cần có nguồn tài chính để xây dựng và triển khai các đề án cụ thể trong từng lĩnh vực.

Với những thuận lợi và cũng như thách thức của năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu gồm 5 chỉ tiêu về kinh tế, 10 chỉ tiêu về xã hội, 4 chỉ tiêu về môi trường và 1 chỉ tiêu về cải cách hành chính. Để thực hiện các mục tiêu này,  Thành phố đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Theo đó, Thành phố tập trung cả hệ thống chính trị tích cực triển khai thực hiện 7 Chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Thành phố, gắn với việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

Thành phố tập trung phát triển một số kết cấu hạ tầng đồng bộ trọng điểm gắn với chỉnh trang đô thị, kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến trình xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, Thành phố tổ chức rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch sử dụng đất… ưu tiên bố trí quỹ đất để đầu tư phát triển công nghiệp 4.0, công nghiệp hỗ trợ, trung tâm tài chính, đất dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Bảo đảm thực thi minh bạch, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tạo tiền đề hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân sở hữu hỗn hợp, bao gồm cả việc góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước có tiềm lực vững mạnh, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin...

Với những tiền đề thuận lợi, nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng với phương châm “Quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo”, Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 54 của Quốc hội, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, xứng đáng với niềm tin mà Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước đã dành cho để Thành phố có điều kiện phát triển nhanh hơn, bền vững hơn cùng cả nước, vì cả nước, xứng đáng là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh thu ngân sách đạt kế hoạch
TP Hồ Chí Minh thu ngân sách đạt kế hoạch

Ước cả năm 2017 số thu ngân sách Nhà nước trên TP Hồ Chí Minh sẽ đạt 347.982 tỷ đồng, hoàn thành 100,03% kế hoạch được giao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN