Sự kiện thu hút đông đảo các diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, nhân sự, lao động việc làm đang hoạt động tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tham gia trao đổi, thảo luận nhằm tìm giải pháp thu hút nguồn nhân lực, giữ chân nhân tài, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Kiên, Giám đốc nhân sự cấp cao Tập đoàn PNJ cho rằng, nếu doanh nghiệp lớn đã có thương hiệu sẽ có nhiều lợi thế trong việc tuyển dụng nhân sự, nhất là những nhân sự có tài, có đức, có tâm. Tuy nhiên ngày nay, doanh nghiệp dù nhỏ hay vừa hoặc vừa mới khởi nghiệp, nếu phát huy được khả năng ưu việt, tính tích cực của doanh nghiệp thì vẫn có thể xây dựng thương hiệu tuyển dụng xuất sắc toàn diện khi tuyển dụng được những nhân tài muốn tìm chân trời mới, lối đi riêng dành cho doanh nghiệp và cho chính bản thân họ.
Chính vì thế, dù doanh nghiệp chưa có thương hiệu trên thị trường cũng cần tự nâng cao hiệu lực bằng chính mình mà không cần đòi hỏi phải có danh tiếng trước hay đưa ra mức lương, thưởng cao để tuyển dụng nhân tài.
"Tuy nhiên, người làm công việc tuyển dụng này cần phải được rèn luyện, thường xuyên tìm hiểu thị trường mới, liên tục tìm điểm mạnh nhất để đưa thông điệp mới ra thị trường. Ngoài ra, cũng cần tìm ra điểm ngọt ngào để không chỉ xây dựng thương hiệu tuyển dụng xuất sắc từ bên trong mà còn tỏa sáng bên ngoài, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp xuất sắc toàn diện", ông Kiên nhấn mạnh.
Để xây dựng thương hiệu tuyển dụng xuất sắc toàn diện, ông Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch Chứng khoán Thiên Việt (TVS), nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam cũng chỉ ra rằng, ngày nay dù chi phí rất hạn hẹp nhưng doanh nghiệp vẫn có thể xây dựng thương hiệu. Và nếu xây dựng thương hiệu tốt sẽ dẫn đến nhiều lợi ích như tuyển dụng được người tài, giữ chân được người tài, chi phí tuyển dụng thấp hơn.
"Nếu doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn thay vì cắt giảm chi phí về người lao động thì nên tập trung nhiều hơn nữa vào việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của họ. Bởi chỉ có con người mới tạo ra sự khác biệt rất lớn giữa các doanh nghiệp khác…", ông Hải Khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng mỗi doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp thông qua những điều nhỏ nhất, những hành động đơn giản của từng người lao động trong doanh nghiệp để đưa ra thông điệp chung. Đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì điều này rất dễ làm (bởi số lượng nhân viên ít), dễ truyền thông điệp ra bên ngoài và sẽ tạo ra sức mạnh rất lớn trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Cùng quan điểm, ông Bùi Ngọc Quốc Hưng, Tổng Giám đốc CareerViet chia sẻ, thế hệ lao động trẻ ngày nay không chỉ quan tâm đến các vấn đề lương, thưởng, các chế độ phúc lợi mà còn xem xét môi trường làm việc, các phòng ban chuyên môn, văn hóa doanh nghiệp trước khi đầu quân vào doanh nghiệp đó.
"Hiện có nhiều doanh nghiệp nội lực bên trong thật tốt, nhưng bên ngoài vẫn chưa tỏa sáng, chưa thật sự xây dựng thương hiệu tốt làm ảnh hưởng phần nào đến quá trình phát triển doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp dù to hay nhỏ, có đường hướng kinh doanh khác nhau nhưng cũng cần có đặc điểm văn hóa riêng để từ đó thu hút, giữ chân nhân tài, gắn bó đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển", ông Hưng chia sẻ
Để xây dựng thương hiệu tuyển dụng xuất sắc toàn diện, ông Tôn Thất Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc, khối nhân sự của Manulife Việt Nam cũng nhấn mạnh chiến lược nhân sự phải luôn gắn liền với chiến lược phát triển doanh nghiệp để từ đó tạo dựng nền móng vững chắc về lực lượng lao động giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Điều này thấy rất rõ ở những tập đoàn, công ty càng lớn thì vai trò người làm công tác tổ chức nhân sự, nhà tuyển dụng lao động thật sự rất quan trọng.
"Người làm công việc này cần phải có tư duy tích cực; phải hiểu lãnh đạo doanh nghiệp để từ đó thiết kế ra chương trình phù hợp. Chắc chắn sẽ nhiều câu chuyện không liên quan đến phòng nhân sự, nhưng người làm công việc này cũng cần hiểu được định hướng của lãnh đạo để từ đó linh hoạt trong phối hợp, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển", ông Vũ chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các vấn đề về nhà tuyển dụng, người lao động nhiệt huyết, yêu công việc; các giải pháp dung hòa giữa người mới và cũ, tính đoàn kết, tính đồng đội; tất cả phải đồng bộ làm việc bằng trái tim đến đôi tay khối óc; sự giúp đỡ giữa các ứng viên để "khớp lệnh" cùng khởi nghiệp tốt nhất.
Các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp tuyển dụng, giữ chân nhân tài, áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện các chương trình tuyển dụng cả trong lẫn ngoài nước và những bài học kinh nghiệm thực tiễn về nhà tuyển dụng và người lao động cùng chia sẻ chung tay xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, doanh nghiệp xuất sắc toàn diện và phát triển bền vững…