Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xe buýt ở TP.Hồ Chí Minh

Ngày 15/11, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức phiên giải trình về tình hình vận hành và phát triển hệ thống xe buýt trên địa bàn thành phố.

Đáng chú ý, mặc dù được trợ giá khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng hoạt động xe buýt đang có chiều hướng suy giảm. Đến nay, hoạt động này vẫn chưa đáp ứng vai trò cũng như yêu cầu của người dân. 

Chú thích ảnh
Ông Trần Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên giải trình. 

“Nỗi khổ” của xe buýt

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2014-2018, ngành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt liên tục suy giảm sản lượng, bình quân giảm 6,65%/năm.

Tính trong 8 tháng đầu năm 2019, khối lượng vận tải hành khách bằng xe buýt có trợ giá chỉ đạt 131,2 triệu lượt, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2018 và chỉ đạt 51% kế hoạch năm 2019. Bình quân mỗi chuyến chỉ có 33 hành khách, trong khi chỉ tiêu đặt hàng là 37 hành khách/chuyến. Dẫn đến tình trạng thu không đủ theo đặt hàng.

Lý giải nguyên nhân việc hành khách đi xe buýt giảm, ông Lâm cho biết nguyên nhân chính do ảnh hưởng của các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông. Điều này dẫn đến trong 7 tháng đầu năm 2019, có 330.00 chuyến chậm trên 15 phút do ảnh hưởng của vấn đề này.

Đáng chú ý, sự phát triển của xe ôm và xe hợp đồng dưới 9 chỗ theo đề án thí điểm sử dụng công nghệ cũng cạnh tranh trực tiếp với xe buýt nhờ sự tiện lợi, cơ động và giá thành gần ngang với chi phí đi xe buýt. Nếu năm 2016, hành khách đi xe công nghệ chỉ có 20,8 triệu lượt thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên hơn 191 triệu lượt, tác động không nhỏ đến thói quen đi lại của người dân.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, bến bãi vừa thiếu, vừa phân bố không đồng đều giữa các khu vực, quận, huyện cũng làm tăng sự trùng lắp của các tuyến xe buýt, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa đạt như mong muốn…

Theo bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Giám đốc HTX Vận tải xe buýt Quyết Thắng, hệ thống xe buýt thành phát đang phát triển trong vòng luẩn quẩn. Việc giảm tuyến, giảm chuyến đã ảnh hưởng đến thời gian đi lại của hành khách sử dụng xe buýt và vận tải xe buýt đang ngày càng mất khách nhiều hơn.

HTX này có tuyến xe buýt chuyên phục vụ sinh viên, từ trung tâm thành phố đi Thủ Đức, với giá vé cho sinh viên là 3.000 đồng/chuyến. Tuy nhiên, lượng khách trên mỗi xe ngày càng giảm, chỉ còn khoảng 60 hành khách/chuyến, trong khi cách đây 3 năm là 82 hành khách.

“Đối tượng sinh viên thường ít có điều kiện về kinh tế, nhưng họ không chọn xe buýt nữa là do hạ tầng giao thông thành phố quá chật chội, quá yếu kém, kèm theo sự phát triển của các loại hình giao thông tự phát khác khiến giao thông đô thị ngày càng hỗn độn. Điều này làm cho xe buýt vận hành hết sức khó khăn. Lái xe hơn 3 giờ sáng bắt đầu đi làm, nhưng đến 23 giờ đêm vẫn chưa về đến nhà trong khi mức lương không được cải thiện”, bà Thanh chia sẻ.

Một số tuyến xe khác do HTX này quản lý, như tuyến 56 chạy từ Bến xe Chợ Lớn đến Đại học Giao thông vận tải, với quãng đường hơn 23km có giá vé dao động từ 3.000-6.000 đồng/vé cũng đang gặp nhiều khó khăn. Kể từ thời điểm đầu tư vận hành từ tháng 12/2018 đến nay, mỗi xe đã nợ HTX hơn 305 triệu đồng. Dù đã đầu tư không ít, nhưng HTX đang có kế hoạch dừng chuyến vì nguy cơ nợ xấu.

Với hơn 14 năm làm nghề lái xe buýt ở TP Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Hùng, nhân viên thuộc Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn cho biết, những người lái xe buýt đang gặp nhiều áp lực do chính sách tăng chuyến, quay đầu. Kể từ tháng 5/2019 đến nay, thay vì chỉ chạy 9 chuyến/ngày thì bản thân ông Hùng và nhiều lái xe buýt khác phải chạy lên 11 chuyến/ngày. Thời gian làm việc của lái xe lên đến 14 tiếng/ngày, để đảm bảo đủ định mức, thậm chí họ ăn cơm cũng phải ngồi trên xe…

Cần tháo gỡ nhiều bất cập

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố cũng chất vấn, yêu cầu giải trình xoay quanh vấn đề trợ giá, thẻ vé xe buýt, hạ tầng bến bãi, sử dụng nhiên liệu sạch (CNG), thu nhập của lái xe… Nhiều đại biểu cho rằng, nếu không có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời hoặc tạo điều kiện mạnh mẽ hơn thì ngành vận tải này sẽ rơi vào khó khăn nhiều hơn.

Đại biểu Trương Thị Ánh cho biết, hàng năm ngân sách thành phố dành 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho hoạt động xe buýt nên vấn đề này được rất nhiều cử tri quan tâm. Vậy việc trợ giá vừa qua đã thực sự là đòn bẩy để phát triển hệ thống xe buýt phục vụ cho người dân thành phố chưa? Nếu ngân sách sắp tới có điều chỉnh giảm trợ giá thì việc vận hành của hệ thống xe buýt sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Theo bà Ánh, người dân rất quan tâm đến thái độ phục vụ của một bộ phận lái xe mà hội đồng nhân dân đã nhiều lần chất vấn, nhưng trong các báo cáo khảo sát của Hội đồng nhân dân ghi nhận vẫn còn xảy ra tình trạng này. Cũng như nhiều người dân vẫn còn lo lắng về mức độ an toàn khi lên xuống xe buýt. Đây là những vấn đề mà ngành giao thông cần giải quyết triệt để thì mới thu hút được sự tham gia của người dân.

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cũng cho rằng, để thu hút sự tham gia của người dân nhiều hơn phương tiện giao thông này thì cần có sự phối hợp với địa phương, lực lượng công an trong việc chấn chỉnh tình trạng mất vệ sinh xung quanh các nhà chờ xe buýt cũng như tình trạng trộm cắp trên xe buýt đã xảy ra mà lái xe, tiếp viên không dám lên tiếng.

Để lấy lại niềm tin của người dân, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng, thành phố cần có hình thức tuyên truyền phù hợp để người dân, nhất là người dân đến từ nơi khác có thể tiếp cận với hệ thống xe buýt của thành phố. Đồng thời, có chính sách đảm bảo thu nhập cho những người lái xe buýt để họ an tâm với công việc. Từ đó, họ mới không phải lấn làn, dành thời gian đón trả khách, nhất là người già, người khuyết tật.

Ghi nhận ý kiến của các bên liên quan, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho hay, hoạt động xe buýt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân thành phố. Các chính sách, cơ chế liên quan đến hoạt động này còn nhiều bất cập. Phương thức trợ giá chưa phù hợp, doanh thu khoán còn nhiều bất cập, trong khi sản lượng hành khách giảm 13%/năm... Do vậy, để hoạt động này phát triển hiệu quả, cần thay đổi phương thức trợ giá, đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong phân phối tới các đơn vị vận hành.

Về quy hoạch bến bãi, trạm dừng chưa phù hợp với định hướng quỹ đất dành cho  giao thông. Các công trình kỹ thuật dành cho xe buýt chưa được đầu tư lâu dài... Do vậy, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị UBND thành phố chủ động sớm xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, kiểm soát, vận hành xe buýt, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân tham gia phương tiện công cộng an toàn. Xây dựng chính sách tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục để thu hút đầu tư, tiến tới tăng sản lượng hành khách. Tăng cường kiểm tra về an ninh trật tự cho người dân đi xe buýt, chấm dứt tình trạng trộm cắp trên xe buýt cũng như lấn chiếm nhà chờ xe…

Bài và ảnh: Hứa Chung (TTXVN)
Tái diễn tình trạng lấn làn xe buýt nhanh BRT
Tái diễn tình trạng lấn làn xe buýt nhanh BRT

Mặc dù không phải giờ cao điểm, không xảy ra ùn tắc giao thông nhưng nhiều người điều khiển xe máy, ô tô vẫn bất chấp quy định pháp luật, vô tư đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt BRT tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN