Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk Ya Toan Ênuôl cho biết, đây là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của nông dân; từ đó kịp thời giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và ban hành chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, nông dân kịp thời cập nhật chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ chế của tỉnh liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chủ động tiếp cận, vận dụng vào sản xuất, phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Các hội viên nông dân tỉnh Đắk Lắk đã nêu ra 12 ý kiến liên quan đến cơ chế, chính sách, ngành hàng, vùng sản xuất; đồng thời đề xuất, hiến kế nhiều giải pháp thiết thực để phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành lắng nghe, trao đổi, giải trình thẳng thắn những ý kiến thắc mắc, đề xuất, nguyện vọng của nông dân.
Ông Hồ Lập, hội viên nông dân xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ) thông tin, hiện nay, việc vận động các hộ nông dân liên kết xây dựng mã số vùng trồng còn nhiều khó khăn. Theo quy định, muốn thành lập một mã số vùng trồng phải có diện tích từ 10 ha trở lên, vì vậy cần phải có sự liên kết của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng nông sản có mã vùng trồng và các mặt hàng nông sản chưa có mã vùng trồng hiện chưa khác biệt, khiến người nông dân không mặn mà xây dựng mã số. UBND tỉnh, các sở, ngành cần nghiên cứu, giải pháp khắc phục thực trạng trên, tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng mã số vùng trồng để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Ông Nguyễn Phi Khanh, đại diện cán bộ, hội viên nông dân thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) cho biết, hiện nay, sầu riêng là cây có giá trị kinh tế và mang lại lợi nhuận cao so với nhiều loại cây trồng khác. Do đó, một số hộ dân đã bất chấp nguy hại, lạm dụng sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… khi canh tác. Vì vậy, UBND tỉnh cần có giải pháp khắc phục, đảm bảo phát triển cây sầu riêng theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường và không ảnh hưởng đến sức khỏe trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung đánh giá cao các ý kiến phát biểu của cán bộ, hội viên, nông dân. Đây là những ý kiến xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của cán bộ, hội viên, nông dân trong giai đoạn hiện nay. Ông nhấn mạnh, nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian tới, hội viên nông dân cần đồng hành, có trách nhiệm hơn trong tham gia xây dựng nông thôn mới, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và nhiều phong trào thi đua khác. Các hội viên tích cực tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác và nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong các khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị hàng hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn đề nghị, sau hội nghị, Hội Nông dân phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân đến các sở, ngành liên quan để tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trả lời; đề xuất, kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tạo điều kiện để nông dân tiếp cận, hưởng lợi từ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời Sở tuyên tuyền, phát động, nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả để nông dân học hỏi, áp dụng vào sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.
Hội Nông dân tỉnh chủ động giải quyết các kiến nghị của hội viên, nông dân, cán bộ Hội; tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân. UBND các huyện, thị xã, thành phố tập thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững...