Qua 4 năm chung tay chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định, 28 tỉnh, thành phố có biển của Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để phát triển nghề cá bền vững, hướng tới tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu; giúp ngư dân, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản rộng đường và minh bạch hơn khi đưa hải sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Nâng cao nhận thức cho ngư dân
Tại tỉnh Sóc Trăng, dự kiến tổng sản lượng thủy sản của tỉnh trong năm 2021 là 323.000 tấn; trong đó, khai thác biển chiếm gần 64.500 tấn. Kể từ khi Ủy ban châu Âu giơ "thẻ vàng" đối với nghề cá Việt Nam, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ kiểm tra, kiểm soát tại cảng cá, bến cá để tuyên truyền đến ngư dân các quy định về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra các loại giấy tờ, trang bị, thiết bị trước khi ra khơi của các tàu cá ra, vào cảng cá Trần Đề.
Ông Nguyễn Văn Ơn, chủ tàu cá khai thác xa bờ tại huyện Trần Đề cho biết, ngư dân đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng hướng dẫn và thực hiện Luật Thủy sản 2017. Hầu hết ngư dân ở đây đều hiểu không thể đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; đồng thời, hiểu rõ Luật Thủy sản, các quy định mua hàng của doanh nghiệp, người nước ngoài, từ đó thực hiện đánh bắt đúng theo yêu cầu thì sản phẩm đánh bắt mới được tiêu thụ nhanh, dễ dàng hơn so với đánh bắt theo ý muốn như trước đây. Có như vậy, ngư dân mới sống được lâu dài với nghề và không bị xử lý vi phạm hoặc tịch thu giấy phép khai thác.
Cùng với tỉnh Sóc Trăng, các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau cũng đã tăng cường nâng cao nhận thức cho ngư dân trong hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ. Theo ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau, để giảm thiểu tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định pháp luật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh Cà Mau, phối hợp với các đơn vị để xây dựng, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: theo dõi, giám sát chặt chẽ, kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt, sau đó được chuộc về, mua lại,… Tỉnh Cà Mau cũng không cấp giấy phép khai thác thủy sản cho những tàu tái phạm, không xem xét cho chủ tàu, thuyền trưởng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về thủy sản của nhà nước.
Tháo gỡ vướng mắc còn lại
Việc chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định vẫn đang diễn ra quyết liệt tại các địa phương có biển. Hiện nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt để hướng đến được gỡ bỏ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Kiên Giang, Bạc Liêu,… nhưng vẫn còn nhiều ngư dân khác tái phạm cần biện pháp mạnh hơn để xử lý.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài của ngư dân Cà Mau hiện đã giảm rất nhiều. Phần lớn các chủ tàu, thuyền trưởng đều hiểu rõ khai thác trên vùng biển nước ngoài là vi phạm pháp luật. Thế nhưng, vẫn còn rải rác một vài trường hợp vì lợi ích kinh tế trước mắt vẫn cố tình vi phạm và tìm cách che giấu khi tàu cá bị bắt. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nói riêng và mục tiêu gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu nói chung trên địa bàn tỉnh.
Thêm vào đó, hiện nay, để có thể “lách” được giấy xác nhận nguồn gốc sản phẩm, cũng có trường hợp ngư dân bắt tay nhau ghi khống số lượng đánh bắt, khai thác của tàu cá. Với cách này, những tàu cá tuân thủ quy định chống khai thác bất hợp pháp sẽ “gánh giúp” sản lượng cá được khai thác nhưng khai báo hành trình sai vị trí của tàu khác. Điều này gây khó khăn cho đội ngũ quản lý cảng cá trong việc cấp giấy xác nhận lô sản phẩm khai thác đó, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau chia sẻ thêm.
Các doanh nghiệp, đơn vị quản lý cảng cá các địa phương đều đồng tình cho rằng, tình trạng này diễn ra âm thầm và rất khó xử lý. Dù chỉ lác đác vài trường hợp, nhưng cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản khi tiến hành thu mua nguyên liệu hải sản, phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt là các đơn hàng đi châu Âu. Vì vậy, để chấm dứt tình trạng này, các biện pháp chế tài cần phải được đưa ra song song với việc nâng cao nhận thức về tính trung thực, minh bạch trong ngư dân.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Ban chỉ đạo chống khai thác bất hợp pháp tỉnh Cà Mau đã có đề nghị với các ngành, các cấp, nhất là chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền theo hướng đổi mới nội dung, phương pháp để có thể giải quyết, chấm dứt được các tình trạng vi phạm rải rác nhưng phức tạp.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cũng thắt chặt hơn công tác quản lý tàu cá, công tác đăng kiểm, cấp phép hoạt động, kiểm tra, kiểm soát các tàu cá khi ra khơi đánh bắt xa bờ. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau cũng tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ xử lý đối với các tàu cá vi phạm để xử lý, xử phạt nghiêm hơn, nhằm nâng cao ý thức của ngư dân trong khai thác, đánh bắt xa bờ.
Đây là hoạt động ráo riết để hướng tới gỡ bỏ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu, cũng chính là hoạt động bảo vệ an toàn tính mạng ngư dân trong tỉnh khi xảy ra trường hợp bất trắc trên biển.