Theo đuổi 'giấc mơ' công nghiệp ô tô

Sau 20 năm với mọi nỗ lực, quyết tâm bảo hộ, “giấc mơ” về một ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã không thành hiện thực. Không chấp nhận thất bại, trong kế hoạch phát triển của ngành này, Bộ Công Thương tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng với mục tiêu cụ thể.

Theo đó, trong giai đoạn 2025-2035, sản xuất ô tô sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng với mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa lên tới 80%. Tuy nhiên, thời điểm Việt Nam thực hiện cam kết Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, khi đó thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ về mức 0%. Câu hỏi đặt ra, liệu “vết xe đổ” có lặp lại?

Nhiệm vụ “bất khả thi”

Sản xuất ô tô tại nhà máy của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải – Thaco. Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN

Nhìn lại ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sau 20 năm, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài cho biết, đến nay tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô khoảng 500.000 xe/năm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước.

Cùng với sản xuất, lắp ráp xe, bước đầu đã hình thành nên ngành công nghiệp hỗ trợ; cung cấp một số phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm lốp, sản phẩm nhựa...; đồng thời, thu hút được một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện và phụ tùng thế giới theo hình thức doanh nghiệp chế xuất.

Tuy nhiên, ông Hoài cũng thừa nhận, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hoàn toàn không đạt được mục tiêu đề ra theo cam kết của doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, mục tiêu đề ra đối với xe đến 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hoá là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010, nhưng đến nay mới đạt bình quân từ 7-10%.

Không chỉ vậy, chất lượng xe mặc dù có cải tiến nhưng không bằng xe nhập khẩu, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, sản xuất ô tô mới dừng ở mức độ lắp ráp đơn giản với 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra.

Phân tích nguyên nhân, Bộ Công Thương cho rằng, ngoài dung lượng thị trường thấp, thời gian qua chính sách cho ngành này như thuế, phí, hạ tầng… thiếu ổn định và chưa có sự đồng thuận cao giữa các cơ quan quản lý nhà nước nên chưa tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Mặt khác, ngành còn thiếu chương trình hành động cụ thể và bố trí nguồn lực (nhân lực và tài lực) để triển khai các chính sách đã ban hành.

Đặc biệt, trước khi vào Việt Nam, các tập đoàn đã đầu tư các dự án sản xuất ô tô con có quy mô lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… nên họ hạn chế mở rộng quy mô tại Việt Nam. Cùng với đó, do tâm lý người tiêu dùng lựa chọn xe nhập khẩu có tính năng tiên tiến hơn, mẫu mã đẹp hơn xe sản xuất trong nước nên cũng ảnh hưởng đến thị phần xe trong nước.

Vẫn quyết tâm thực hiện

Lắp ráp xe tải nhỏ tại nhà máy của Vinaxuki. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Mặc dù vậy, thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Chính phủ phê duyệt năm 2014 với mục tiêu công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp quan trọng và tăng tỷ lệ nội địa hóa lên tới 80%, Bộ Công Thương đang rốt ráo lấy ý kiến để triển khai.

Bộ Công Thương cho rằng, với dân số gần 100 triệu dân, GDP bình quân đầu người và tỷ lệ dân số tầng lớp trung lưu ngày một tăng, thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá là đang trên đà tăng trưởng tốt với tốc độ tăng bình quân hai năm gần đây đạt gần 40%. Nhiều chuyên gia cũng đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng mà không một doanh nghiệp sản xuất ô tô nào có thể bỏ qua.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong giai đoạn trước mắt, công nghiệp ô tô Việt Nam cố gắng tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu của các thương hiệu hiện có.

Cùng với đó là tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có số lượng sản xuất lớn tại Việt Nam; thu hút đầu tư và hỗ trợ sản xuất có định hướng vào thị trường “ngách”, các hãng xe, dòng xe chưa có cơ sở sản xuất lớn tại thị trường ASEAN.

Đồng thời, sẽ tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô bằng việc khuyến khích sử dụng xe sản xuất trong nước và tất nhiên sẽ có những biện pháp bảo hộ nhưng không vi phạm các cam kết của AFTA.

Ngoài ra, cùng với việc hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị cạnh tranh, Bộ cũng sẽ có những biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước.

Đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa sản xuất linh kiện và phụ tùng, Bộ sẽ có những giải pháp hỗ trợ, phát triển cụ thể và cũng tập trung thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN…

Đánh giá về những giải pháp trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, đây sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước và khuyến khích các hãng xe nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của doanh nghiệp hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực ô tô, ông Nguyễn Tuấn, Công ty TNHH Thiên Phúc An bày tỏ, vấn đề phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được đặt ra cách đây 20 năm và dù đã được bảo hộ, hưởng nhiều ưu đãi nhưng vẫn không thể “lớn lên” được. Bộ Công Thương đã thừa nhận thất bại này.

Chuyển hướng sang nhập khẩu

Điều ông Tuấn nói không phải là không có lý khi một số “ông lớn” như Toyota và Honda đang từng bước thu hẹp sản xuất bằng việc nhập khẩu xe Fortuner và Civic về phân phối thay cho lắp ráp trong nước như trước đây.

Đây cũng là điều “trăn trở” của nhiều liên doanh sản xuất lắp ráp xe, bởi họ sẽ phải tính bài toán kinh tế dựa trên tình hình cụ thể, không “mạo hiểm” tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất mà chỉ tập trung duy trì một vài mẫu xe có sản lượng lớn.

Thậm chí, chuyển hướng sang nhập khẩu nhờ tận dụng lợi thế thuế suất giảm mạnh từ năm 2018. Khi hết bảo hộ, họ chuyển sang nước nào có lợi thế hơn trong khối để tiếp tục được hưởng ưu đãi.

Chia sẻ những “trăn trở” trên, ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, các thành viên VAMA mong muốn phát triển sản xuất ô tô trong nước, nhưng khi thuế suất thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%, lượng xe nhập khẩu sẽ về nhiều, một số thành viên của VAMA sẽ không tồn tại được.

Do đó, VAMA đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển.


Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cũng là doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, nhưng với doanh nghiệp tư nhân như Thaco, Hyundai Thành Công hay Vinaxuki dù không được hưởng nhiều ưu đãi như các liên doanh nhưng mỗi doanh nghiệp lại có bước đi khác nhau.

Thaco và Vinaxuki cùng là doanh nghiệp tiên phong, cùng có ước mơ sản xuất ra chiếc ô tô “Made in Vietnam ” nhưng Vinaxuki đã không thể tiếp bước như Thaco.

Trước đây Vinaxuki lắp ráp xe tải rất tốt, nhưng tham vọng quá lớn, chuyển sang đầu tư lớn chế tạo khuôn mẫu để sản xuất xe con, trong khi xe con đã có nhiều hãng ở Việt Nam đang sản xuất. Ngay sau đó, thị trường khó khăn, nguồn tài chính không tiếp cận được nên dự án không ra được sản phẩm và “thoi thóp” nhiều năm nay, khó có thể cứu vãn.

Trong khi đó, với từng bước đi thận trọng, đầu tư nội địa hóa phù hợp với tiềm lực tài chính, hiện nay Thaco đã vươn lên độc chiếm “ngôi vương” trong ngành ô tô Việt Nam cũng như vươn lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2016 khi chiếm hơn 40% thị phần xe của cả nước.

Ông Trần Bá Dương Chủ tịch HĐQT Thaco cũng cho biết, Thaco bắt đầu tham gia sản xuất ô tô từ năm 2005 với chiến lược phát triển từ xe tải, xe bus sau đó là xe con, đồng thời thực hiện quy trình lắp ráp CKD làm từ thấp đến cao.

Với từng bước đi thận trọng, đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của xe bus Thaco đạt 60%, xe tải đạt 40% và xe con đạt bình quân 18%. Sản phẩm xe con của Thaco chiếm hơn 21% thị phần và xe tải, xe khách chiếm 24% thị phần trong cả trong nước.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco chia sẻ, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động sản xuất ô tô, Thaco đã đặt mục tiêu dài hạn là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới vị trí hàng đầu khu vực ASEAN.

Để chuẩn bị cho hội nhập vào năm 2018, trong nhiều năm qua Thaco liên tục đầu tư, liên kết với các đối tác nước ngoài để xây dựng Khu phức hợp sản xuất lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải trên diện tích gần 600 ha, gồm 12 nhà máy công nghiệp hỗ trợ, 5 nhà máy lắp ráp ô tô…

Đây được xem là trung tâm sản xuất cơ khí có quy mô lớn nhất Việt Nam với sản phẩm chính là ô tô và phụ tùng ô tô các loại, hướng tới vị trí hàng đầu khu vực ASEAN.

Ông Dương cũng khẳng định, năm 2017 cũng là năm cuối cùng kết thúc những ưu đãi, hỗ trợ của quá trình phát triển ngành công nghiệp ô tô sản xuất trong nước. Sản xuất, kinh doanh ô tô sẽ chịu sức ép cạnh tranh gay gắt và khốc liệt hơn trong bối cảnh có sự tham gia của nhiều thương hiệu mạnh ở cả trong nước và khu vực ASEAN...

Tuy nhiên, với quyết tâm và kiên trì với mục tiêu đã chọn, làm tốt chiến lược và đúng chính sách, định hướng của Chính phủ đề ra, đồng thời tiếp tục hợp tác với các đối tác có công nghệ phù hợp để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chắc chắn doanh nghiệp sẽ có chỗ đứng trong sân chơi hội nhập này.


Văn Xuyên (TTXVN)
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ngành công nghiệp ô tô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN