Cụ thể, chỉ số giá chứng khoán ở Thượng Hải, Sydney, Singapore, Mumbai, Jakarta và Bangkok giảm nhẹ, mặc dù ở Tokyo, Seoul, Đài Bắc và Manila có nhích lên. Trong khi chỉ số giá chứng khoán London tăng, thì Frankfurt đi ngang và Paris giảm nhẹ vào buổi sáng cùng ngày.
Tâm lý của giới đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi dữ liệu cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn khó khăn, với các chỉ số chính không đạt kỳ vọng do nhu cầu trong nước yếu.
Mặc dù có kỳ vọng chung rằng một thỏa thuận sẽ đạt được, nhưng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy thuộc Đảng Cộng hòa cảnh báo rằng các cuộc họp cấp nhân viên “không hiệu quả” và họ “không thể đi đến kết luận nào”.
Trong khi đó, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang yêu cầu cắt giảm chi tiêu như một điều kiện để thông qua dự luật, nhưng các thành viên của Đảng Dân chủ muốn tăng hạn mức vay mà không có điều kiện ràng buộc nào.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã bày tỏ sự tin tưởng rằng hai bên có thể thu hẹp bất đồng, dự kiến có cuộc gặp với ông McCarthy và các nhà lãnh đạo quốc hội khác tại Nhà Trắng vào cuối ngày 16/5.
Cuộc họp này diễn ra một tuần sau khi cuộc gặp đầu tiên của họ kết thúc mà không có đột phá do lập trường của hai bên vẫn còn cách xa nhau. Đảng Cộng hòa, đảng nắm quyền kiểm soát Hạ viện, cho biết sẽ không bỏ phiếu nâng trần nợ công nếu Quốc hội không đồng ý giảm mạnh chi tiêu.
Ông McCarthy cho biết ông nhận thấy hai bên hầu như không có tiến triển gì trước cuộc họp. Bình luận này của ông McCarthy được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen một lần nữa cho biết chính phủ có thể sẽ cạn kiệt tiền mặt vào ngày 1/6 tới, nghĩa là chính phủ Mỹ sẽ không thể đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ của mình, gây ra khả năng vỡ nợ nghiêm trọng.
Giới chuyên gia nhận định nếu thực sự xảy ra, việc Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử sẽ đẩy nước này vào suy thoái và khiến các thị trường tài chính trên toàn cầu chao đảo. Tình trạng bế tắc hiện nay đã bắt đầu khiến giới đầu tư và người tiêu dùng lo ngại.