Theo Sputnik (Nga) ngày 14/5, trước khi cuộc xung đột ở Ukraine leo thang thành cuộc chiến ủy nhiệm toàn diện giữa Nga và NATO vào năm ngoái, các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ phụ thuộc vào Nga, Kazakhstan và Uzbekistan để cung cấp gần một nửa lượng uranium làm giàu của họ. Hơn một năm sau cuộc xung đột, Washington dường như đã thất bại trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Mục tiêu của chính quyền Biden nhằm cô lập nền kinh tế Nga bằng các lệnh trừng phạt trong suốt năm qua đã có một ngoại lệ lớn khi Mỹ tiếp tục mua uranium làm giàu có nguồn gốc từ Nga để sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân của họ.
Theo tính toán, các công ty Mỹ đã mua lượng uranium được làm giàu của Nga trị giá khoảng 1 tỷ USD trong năm qua. Mỹ có mạng lưới gần 60 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động trên hơn 20 bang, cung cấp tới 1/5 lượng điện năng và khoảng 10% tổng nhu cầu năng lượng của cả nước.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng việc Mỹ tiếp tục mua mặt hàng này chính là do Washington thiếu khả năng chuyển đổi và làm giàu ở trong nước, với tập đoàn hạt nhân khổng lồ Rosatom của Nga là nhà xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân chính trên toàn cầu.
Mặc dù Nga chỉ khai thác khoảng 6% lượng uranium của thế giới, nhưng nước này kiểm soát khoảng 40% thị trường chuyển đổi uranium và 46% tổng công suất làm giàu uranium toàn cầu.
Năm 2021, Mỹ dựa vào sự độc quyền hạt nhân của Nga đối với 14% uranium cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân của nước này. Cùng năm, châu Âu cũng đã mua gần 1/5 lượng nhiên liệu hạt nhân của họ từ tập đoàn Rosatom.
Vào cuối năm 2021, gần 1/5 nhà máy điện hạt nhân trên thế giới là ở Nga hoặc do Nga xây dựng và Rosatom đang xây dựng thêm 15 nhà máy bên ngoài Nga, theo Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia.
Trên hết, năng lượng hạt nhân được cho là đang hồi sinh trong bối cảnh giá hydrocarbon tăng vọt (phần lớn là do sự gián đoạn thị trường toàn cầu trong bối cảnh các nước phương Tây nỗ lực độc lập với khí đốt của Nga), cũng như những lo ngại về môi trường, trong đó hạt nhân được coi là ít gây tổn hại nhất đối với các cơ quan quản lý vốn bị ám ảnh bởi biến đổi khí hậu đang tìm kiếm các nguồn năng lượng không phát thải CO2.
Do đó, uranium được làm giàu đã bị loại bỏ một cách kỳ lạ khỏi lệnh cấm nhập khẩu của chính quyền Biden nhắm vào năng lượng Nga vào năm ngoái. Hiện cả Washington và Moskva dường như đều không chú ý đến lời kêu gọi tìm kiếm các thị trường thay thế.
Điều đó có nghĩa là trong trường hợp áp lệnh trừng phạt với uranium, Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm giải pháp thay thế, trừ khi họ bắt đầu mua uranium làm giàu có nguồn gốc từ Nga được dán mác thành uranium từ một số nước thứ ba.
Ngoài ra, khoảng 1/4 uranium được sử dụng bởi các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ cũng có nguồn gốc từ các đối tác của Nga là Kazakhstan và Uzbekistan, có nghĩa là Moskva có thể gây áp lực đáng kể đối với an ninh năng lượng của Mỹ nếu Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực này.