Thị trường chứng khoán duy trì tăng trưởng khá

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng khá, mặc dù nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng.

Thanh khoản cao

“Trong nửa đầu năm 2024, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn hoạt động ổn định, an toàn, minh bạch và thanh khoản cao, tiếp tục khẳng định là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Thị trường vẫn duy trì tăng trưởng khá, mặc dù nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng”, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết.

Báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại buổi làm việc mới đây, Quyền Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) Nguyễn Thị Việt Hà cho biết: Về chỉ số và giá trị vốn hóa đến ngày 10/6, chỉ số VN-Index đạt 1.290,67 điểm, tăng 14,2% so với cuối năm 2023; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tại HoSE đạt 5,26 triệu tỷ đồng, tăng 15,3% so với cuối năm 2023.

Tính từ đầu năm đến ngày 10/6, thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 96,8 tỷ chứng khoán, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 2,3 triệu tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 913,2 triệu chứng khoán/ngày, với giá trị giao dịch đạt 21.612 tỷ đồng/ngày, tăng lần lượt 41,3% về khối lượng và 94,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Về giao dịch nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), lũy kế từ đầu năm đến ngày 10/6, NĐTNN đã bán ròng gần 1,1 tỷ chứng khoán tương ứng giá trị bán ròng .143 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2023, NĐTNN mua ròng 72,1 triệu chứng khoán, nhưng về giá trị đã bán ròng 757 tỷ đồng). Khối lượng và giá trị giao dịch của NĐTNN lần lượt chiếm 8,4% và 9,6% khối lượng và giá trị giao dịch toàn thị trường.

Về hoạt động niêm yết và đấu giá, tính đến ngày 10/6, có 527 mã chứng khoán (394 mã cổ phiếu, 19 mã chứng chỉ quỹ và 114 mã chứng quyền có bảo đảm) được niêm yết và giao dịch trên HoSE. Tổng khối lượng niêm yết đạt 157,4 tỷ chứng khoán với giá trị niêm yết 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% về khối lượng và tăng 2,3% về giá trị so với cuối năm 2023.

Mới đây, TTCK Việt Nam đã chính thức xác lập đỉnh mới. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/6, chỉ số VN-Index đã đạt 1.300,19 điểm, xác lập đỉnh kể từ tháng 6/2022 và cũng là đỉnh của thị trường từ đầu năm đến nay. Phiên giao dịch ngày 13/6, chỉ số VN-Index vẫn bảo vệ thành công đỉnh và tăng nhẹ, đạt 1.301,51 điểm.

Khi thị trường lập đỉnh, tâm lý nhà đầu tư phần nào được cởi mở hơn khi VN-Index nhiều lần vượt đỉnh bất thành. Tâm lý tốt hơn đang đặt ra kỳ vọng thị trường sẽ chuyển sang một sóng tăng mới khi sẽ kích thích được dòng tiền mới tham gia. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự thận trọng và cho rằng, thị trường sẽ điều chỉnh để tạo mặt bằng giá hấp dẫn hơn thu hút dòng tiền.

Chú thích ảnh
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, TTCK giống như "nhịp đập" của nền kinh tế. 

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, về tình hình niêm yết tại HoSE, trong 6 tháng đầu năm nay không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ hoạt động niêm yết cổ phiếu mới khả quan hơn với 5 mã cổ phiếu niêm yết mới, tương ứng khối lượng 1,56 tỷ cổ phiếu (Năm 2023 chỉ có 5 mã mới với khối lượng 269 triệu cổ phiếu). 

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBCKNN, bà Vũ Thị Chân Phương.

“Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình thị trường tại HoSE có diễn biến khá tích cực, thanh khoản duy trì ở mức cao so với năm 2023. Tuy nhiên, giao dịch của NĐTNN là điểm đáng lưu ý khi liên tục bán ròng, với giá trị bán ròng lũy kế trên nghìn tỷ đồng, nhiều hơn giá trị bán ròng của cả năm 2023 (24,8 nghìn tỷ đồng)”, bà Nguyễn Thị  Việt Hà nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Quyền Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), bà Nguyễn Thị Việt Hà.

Từ nay tới cuối năm, theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, HoSE phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra và nhiệm vụ được giao trong năm 2024, tập trung vào vận hành nghiêp vụ hệ thống giao dịch đảm bảo an toàn, thông suốt; quản lý và tổ chức vận hành các bộ chỉ số chính xác và theo quy tắc chỉ số.

Tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường trong nước (TTCK) trong nước và quốc tế để chủ động có giải pháp vận hành, giám sát TTCK phù hợp, kịp thời, sát với tình hình, bảo đảm an toàn, minh bạch, ổn định TTCK không để xảy ra rủi ro, mất an toàn.

Thông tin thêm về hoạt động của thị trường chứng khoán cũng như hoạt động của HoSE, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho rằng: TTCK luôn chịu tác động nhanh nhạy trước các biến động của kinh tế vĩ mô và dòng chảy thông tin trên thị trường. Trong khi đó, HoSE có số lượng cổ phiếu chỉ chiếm 1/3 tổng số cổ phiếu giao dịch trên thị trường nhưng giá trị giao dịch chiếm phần lớn giá trị giao dịch trên thị trường và là địa chỉ niêm yết của hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài dựa trên bộ chỉ số VN30 . 

“UBCKNN rất chia sẻ với những khó khăn và nỗ lực của HoSE thời gian qua. Dù không trực tiếp quản lý về nhân sự, nhưng UBCKNN thường xuyên quan tâm trao đổi với HOSE trong các vấn đề về nhân sự cũng như hoạt động nghiệp vụ của Sở”, bà Vũ Thị Chân Phương chia sẻ thêm.

Đề cập về tình hình NĐTNN liên tục bán ròng, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng: Khối ngoại bán ròng đến từ hai nhóm nhà đầu tư lớn chính, thứ nhất, những nhà đầu tư thuộc Quỹ ETF, một số quỹ ETF bị rút vốn khá mạnh dẫn tới họ phải bán ròng mạnh.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia mới nổi hay thị trường cận biên khác trên thế giới đều bị rút ròng và chảy ngược về Mỹ để đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ có lợi hơn.

“Một số Quỹ đầu tư bán ròng không phải để rút vốn, mà để tái cơ cấu danh mục, chờ cơ hội mua lại cổ phiếu tốt hơn. Họ bán những cổ phiếu có thể đã đạt đỉnh lợi nhuận, hoặc không còn hấp dẫn, ít tiềm năng trong tương lai, bán đi để dịch chuyển cơ cấu. Do đó đà bán ròng này thiên về hoạt động tái cấu trúc nhưng vẫn gây tâm lý tạo ra lực bán mạnh cho thị trường chứng khoán”, ông Trương Hiền Phương cho biết.

Ông Trương Hiền Phương kỳ vọng: Dòng vốn ngoại sẽ đảo chiều và mua ròng trở lại khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) giảm lãi suất, sức hấp dẫn trái phiếu Mỹ không còn, dẫn đến dòng vốn đầu tư trên thế giới sẽ đảo chiều và sẽ tìm đến thị trường có sức hấp dẫn hơn như những thị trường mới nổi, thị trường cận biên. Bên cạnh đó, sau khi các quỹ bán ra để tái cấu trúc danh mục, họ sẽ phải giải ngân lại vào những cổ phiếu được đánh giá là tiềm năng.

Khi FED giảm lãi suất, các ngân hàng Trung ương thế giới, trong đó có Việt Nam, cũng sẽ điều chỉnh lãi suất điều hành theo khuynh hướng giảm xuống cho phù hợp với mặt bằng chung trên thế giới. Khi lãi suất giảm, yếu tố tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế do chi phí vốn của doanh nghiệp rẻ hơn, dẫn đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tốt hơn, nhà đầu tư sẽ mua vào để đón đầu việc này.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư mong đợi vào việc nâng hạng TTCK Việt Nam, nếu không có gì thay đổi, từ nay đến cuối năm sẽ là giai đoạn nước rút để các cơ quan quản lý hoàn thành các cơ chế chính sách, quy trình để có thể chính thức được nâng hạng vào năm 2025. 

Kỳ vọng tích cực nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng

Bộ phận nghiên cứu của Công ty cổ phần chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo: Triển vọng TTCK trong trung và dài hạn vẫn tích cực khi nhìn vào bức tranh lớn với nhiều yếu tố hỗ trợ như kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết quay lại quỹ đạo tăng trưởng, giai đoạn nửa cuối năm cũng là lúc các nhà đầu tư bắt đầu thiết lập kỳ vọng cho 2025.

“Việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng lần lượt hồi phục sẽ là một trong những động lực chính cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý II và nửa cuối năm 2024”, đại diện SSI Research cho biết. Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm giải quyết vướng mắc trong việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russel sẽ được cụ thể hóa hơn cũng là một yếu tố quan trọng cho TTCK. 

Giai đoạn nửa cuối năm cũng là lúc các nhà đầu tư bắt đầu thiết lập kỳ vọng cho 2025 và đang có những cơ sở để cho rằng, sẽ có những hồi phục tốt hơn về kinh tế thế giới và Việt Nam, trong khi các yếu tố rủi ro cũng sẽ hiện diện rõ hơn và có thể có tác động nhẹ hơn đối với thị trường.

“Nếu không có nhiều yếu tố bất ngờ khó đoán định, tôi cho rằng thị trường sẽ có khuynh hướng tốt và sẽ dần khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm. Có thể thấy, thị trường chứng khoán đã chinh phục mốc 1.300 điểm không có quá khó khăn, mà tăng nhờ lực cầu mua vào và trải đều trên diện rộng của thị trường. Đây là điều cho thấy thị trường 6 tháng cuối năm sẽ có khuynh hương tích cực hơn”, ông Trương Hiền Phương nhận định.

Minh Phương/Báo Tin tức
Chứng khoán mở cửa phiên 13/6 tăng cùng chiều thế giới
Chứng khoán mở cửa phiên 13/6 tăng cùng chiều thế giới

Sau khi vượt mốc 1.300 điểm ngày hôm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên sáng nay (13/6) trong sắc xanh và các chỉ số tiếp tục đi lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN