Thị trường logistics Việt Nam hút mạnh vốn ngoại

Với việc gia nhập các hiệp định thương mại trong những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy, đây là thị trường nhiều tiềm năng nên đã đua nhau đổ vốn tại Việt Nam để cạnh tranh thị phần. 

"Ồ ạt" dòng vốn ngoại

Chú thích ảnh
Thị trường logistics Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. 

Tham gia thị trường logistics Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Trong đó, có khoảng 25 doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư hoạt động logistics tại Việt Nam, chiếm đến 70 - 80% thị phần. Các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào thị trường logistics tại Việt Nam nhiều nhất phải kể đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Pháp… 

Trong đó, vốn từ các doanh nghiệp Nhật đổ vào lĩnh vực logistics Việt Nam từ khá sớm, đánh dấu bằng sự kiện Vijaco (công ty con của VIMC) cùng 5 đối tác Nhật là Kanematsu, Suzue, Meiko Trans, Kamigumi và Honda Trading bắt tay thành lập liên doanh (năm 1994). Từ đó đến nay, thị trường tiếp tục ghi nhận những thương vụ vốn Nhật đổ vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam. 

Mới đây nhất, đầu tháng 7/2019, MOL đã đến khảo sát Cảng quốc tế Vĩnh Tân (VTIP) để xem xét đưa các tàu của MOL vận chuyển than nhập khẩu từ Indonesia vào cảng. Ngoài ra, MOL cũng tìm hiểu khả năng làm hàng gỗ dăm của các doanh nghiệp trong khu vực cảng Vĩnh Tân. Ở phía Bắc, MOL đã cùng Viseco, HTM và Golden Link lập liên doanh MVG để triển khai dự án kho bãi MVG Đình Vũ.

Cũng trong tháng 7, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Suzue, hay Sumitomo thông qua công ty con cùng các đối tác Nhật đầu tư vào Gemadept. Thông qua thương vụ này, Sumitomo muốn xây dựng hệ thống logistics kết nối các nhà máy với các bến cảng để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Cùng với việc đầu tư tại Gemadept, Sumitomo sẽ phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động cho phép các lái xe container đăng ký trước thời gian bốc dỡ hàng tại các cảng và xử lý các công việc giấy tờ khác.

Đại diện Sumitomo cho rằng, ước tính mỗi năm, có khoảng 14 triệu container hàng hóa được vận chuyển ra, vào Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm, con số này có thể sẽ tăng lên 23 triệu container vào năm 2025 và logistics sẽ tiếp tục là lĩnh vực đầy tiềm năng.

Trong khi đó, dòng vốn Hàn Quốc đổ vào Việt Nam tuy đi sau Nhật nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Thương vụ đáng chú ý là Samsung SDS bắt tay với Công ty Cổ phần Logistics Hàng không (ALS) để lập liên doanh ALSDS, tham gia kinh doanh logistics tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Samsung SDS cũng đã ký kết với Minh Phương Logistics nhằm khai thác tiềm năng thị trường vận tải hàng hoá nội địa bằng đường bộ.

Riêng ULP, doanh nghiệp logistics hàng đầu tại Hàn Quốc, với mạng lưới khách hàng là các hãng lớn (Samsung, Hyundai, LG, Sony, Canon, Foxconn, Doosan, Korea Power; Hyundai, CJ, HTNS, Lotte, Pantos, KGL, Damco, Schenker, Kerry…) cũng đã ký kết với Công ty Cổ phần Dịch vụ Sân bay (ASG) tham gia cung cấp dịch vụ logistics đối với hàng hóa có yêu cầu đặc biệt.

Tiềm năng tăng trưởng 

Theo thống kê của Hiệp hội Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Thị trường logisitcs tại Việt Nam được đánh giá cao, đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái.

Theo dự báo, đến hết năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt mức 300 tỷ USD, hàng container qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt 67,7 triệu TEU. Vào năm 2025, ngành logistics Việt Nam sẽ chiếm 8 - 10% tổng GDP. Với con số trên, nhiều chuyên gia nhận định, thị trường logistics tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn sôi động hơn nữa. Đặc biệt, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và e-Logistics.

Có thể thấy, nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ như Vincommerce (thuộc Tập đoàn Vingroup), FPT, Thế giới di động, Lotte… đang định hướng phát triển bán lẻ trực tuyến. Số lượng đơn hàng giao dịch qua các kênh trực tuyến gia tăng mạnh, khiến nhu cầu vận tải và logistics tăng cao, đặc biệt là dịch vụ giao hàng nhanh. Bên cạnh đó, sự gia nhập của các "ông lớn" thương mại điện tử thế giới như Alibaba (đã thâu tóm Lazada), JD (đầu tư vào Tiki), Tencent (rót vốn vào Shopee) và Amazon (đang tìm hiểu thị trường) cũng sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu giao - nhận tại Việt Nam trở nên sôi động hơn.

Theo Vietnam Report, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh trong 3 năm gần đây. Trong đó, số lượng đơn hàng qua công ty giao hàng nhanh tăng trưởng trung bình 45% giai đoạn 2015-2020 và có thể đạt 530 triệu đơn hàng vào năm 2020. Dự tính, doanh số bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 ước tăng 20%/năm và tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. 

Với tiềm năng thị trường logictics, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, kỳ vọng sẽ nâng tỷ lệ đóng góp của ngành dịch vụ logistics tại TP Hồ Chí Minh lên mức 8% - 10% GDP, tăng trưởng 15% - 10%; đồng thời hình thành được dịch vụ logistics chuyên nghiệp, giúp nâng tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics lên mức 50% - 60%, góp phần giảm chi phí logistics của Việt Nam xuống còn 16% GDP vào năm 2025. 

Tuy nhiên, theo ông Pieter Pennings, Giám đốc tư vấn của CEL Consulting, với sức ép từ các nhà đầu tư ngoại, doanh nghiệp Việt kinh doanh ngành logistics đang chịu áp lực cạnh tranh cao do đa phần cung cấp dịch vụ nhỏ lẻ,  tiềm lực còn yếu. Ngoài ra, vì thị trường quá phân mảnh nên không hiếm trường hợp để có mối làm ăn, nhiều doanh nghiệp phải chịu kinh doanh với mức giá gần như hòa vốn. Đó là chưa kể, chất lượng dịch vụ giữa doanh nghiệp logistics Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài rất chênh lệch, nên nhiều tập đoàn lớn vẫn lựa chọn sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Tương, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng để cạnh tranh sòng phẳng trên sân nhà,  ngành logistics Việt phải nỗ lực hơn nữa trong công cuộc điều hành, quản lý đơn hàng, đặc biệt là sự hỗ trợ từ Chính phủ để có một lộ trình cải cách cụ thể giúp logistics phát triển. 

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Tạo 'sức bật' phát triển vùng ĐBSCL - Bài 3: Hình thành trung tâm logistics cho vùng
Tạo 'sức bật' phát triển vùng ĐBSCL - Bài 3: Hình thành trung tâm logistics cho vùng

Hiện nay, chi phí vận chuyển hàng hóa trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long khá cao. Với thế mạnh về sản phẩm nông sản, thủy sản, khu vực này cần một “trạm trung chuyển” cỡ lớn để tạo sức bật, nhất là phục vụ cho xuất khẩu mặt hàng chủ lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN