Tiếp tục không khí mua bán buồn tẻ từ cuối năm trước sang năm 2012, thị trường xe máy, xe ô tô tại TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục trầm lắng. Chưa bao giờ các “thượng đế” lại được những chủ doanh nghiệp kinh doanh xe “cưng chiều”, “săn đón” như giai đoạn hiện nay.
Xe máy giảm giá vẫn ế ẩm
Đường Lý Tự Trọng là khu vực kinh doanh xe máy, xe ô tô sầm uất của quận 1. Hầu hết các thương hiệu xe máy “đình đám” trên thị trường hiện nay như Piaggio, Honda, Yamaha... đều có văn phòng hoặc điểm mua bán, chăm sóc khách hàng tại đây. Anh Dũng, nhân viên bán hàng của cửa hàng Hải Đăng than thở: “Xe bán chậm lắm anh à, dù tụi em đã tung đủ chiêu thu hút khách hàng như giảm giá, miễn phí đăng ký xe, bảo hiểm... Ngoài yếu tố quan trọng nhất là tác động của khủng hoảng kinh tế, người dân tiết kiệm chi phí, việc nhiều đơn vị tăng sản lượng, liên tục công bố sản phẩm mới trong khi mãi lực yếu đã làm cho lượng tồn kho càng ứ thêm”.
Dù giảm giá, tăng cường khuyến mãi... nhưng các cửa hàng kinh doanh xe gắn máy vẫn người bán nhiều hơn người mua. |
Rời khu “kinh đô” mua sắm xe máy đường Lý Tự Trọng, đi qua những khu vực trọng điểm khác như đường An Dương Vương, Nguyễn Tri Phương, Phan Đăng Lưu... tình hình còn bi đát hơn. Khác với đường Lý Tự Trọng chuyên bán các loại xe đắt tiền, những khu vực trên hầu hết kinh doanh những loại xe có giá trị trung bình. Khảo sát tại các khu vực trên cho thấy, hầu hết các thương hiệu xe đều giảm giá mạnh. Cụ thể, xe Airblade màu trắng khoảng 35 triệu đồng/xe, Lead dao động từ 32 - 33 triệu đồng/xe, thấp hơn mức đề xuất từ 1 - 2,5 triệu đồng của hãng. Riêng những loại xe đắt tiền như xe Honda SH đời 2011 có giá trên dưới 8.000 USD, Vespa LX 150 nhập khẩu có giá 5.500 USD, thấp hơn so với cùng kỳ khoảng 10%.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, số lượng xe máy đang lưu hành trên thị trường Việt Nam đạt hơn 33,4 triệu xe. Tỷ lệ xe/dân số còn cho thấy, thị trường xe máy đang bị bão hòa. Sức mua của khách hàng đang có khoảng cách ngày càng xa so với tốc độ tăng trưởng sản xuất xe gắn máy. Hiện chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp xe gắn máy đã tăng gần 42% so với cùng kỳ, trong khi nhiều “đại gia” trong ngành như Honda, Yamaha... vẫn không ngừng gia tăng sản lượng đã góp phần làm “thừa mứa” nguồn cung. Do đó, việc kinh doanh xe gắn máy rơi vào thời kỳ u ám như hiện nay là điều khó tránh.
Tiêu thụ ô tô cũng ảm đạm
Sau cơn sốt mua xe trong các tháng cuối năm 2011 nhằm né quyết định tăng lệ phí trước bạ ô tô tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thị trường xe ô tô nhanh chóng rơi vào tình trạng ảm đạm. Hiện ngoài lệ phí trước bạ tăng từ 50 - 80%, phí cấp biển tăng 10 lần, khách hàng sở hữu “xế hộp” sẽ còn phải tiếp tục “chóng mặt” với những khoản thu nhằm hạn chế xe cá nhân của ngành chức năng như: Phí trông gửi xe, phí vào trung tâm nội đô... Hiện lượng xe nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 1 vừa qua đã giảm khoảng 50% về số lượng và giá trị so với cùng kỳ”, ông Trương Bảo Nhật, Trưởng phòng Kinh doanh Toyota Hùng Vương cho biết.
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, lượng xe bán ra trong tháng đầu năm 2012 đã giảm tới 60% so với tháng 1/2011 bao gồm xe đa dụng giảm khoảng 67%, xe thương mại giảm 59%... Nhìn tổng thể về thị trường trong năm 2012, nhiều người trong cuộc cho rằng mức tăng trưởng sẽ đạt thấp và dự kiến doanh số sẽ giảm từ 20 - 25%. Khảo sát cho thấy, ngay từ những ngày đầu năm mới, các doanh nghiệp kinh doanh xe hơi đã chủ động giảm mạnh giá xe hơi lên đến hàng ngàn USD/chiếc nhưng vẫn không đẩy được hàng.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa