Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh sữa tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cho biết: Thị trường sữa nhập ngoại nói chung hiện chưa biến động nhiều sau khi có thông tin một số lô sữa của hãng Abbott, Dumex bị nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ mua phải loại sữa bị nhiễm khuẩn, người tiêu dùng đã mang sản phẩm đến cửa hàng để đổi sản phẩm khác.
Chị Hạnh Dung, chủ cửa hàng chuyên bán sữa ở đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9- TP.HCM) cho biết, sức mua các mặt hàng sữa tại cửa hàng vẫn khá ổn định. “Trong mấy ngày gần đây, ngày nào tôi cũng phải giải thích cho người mua về lô sản phẩm sữa bột bị nhiễm độc đang bị thu hồi, lô nào an toàn cho người sử dụng”, chị Dung nói.
Theo Giám đốc đối ngoại Abbott Laboratories S.A Đỗ Thái Vương, các nhân viên của hãng đang rất tích cực kiểm tra những lô sữa “bẩn” - sản phẩm Similac GainPlus Eye-Q mới (số 3, dành cho trẻ 1- 3 tuổi, chỉ loại hộp 400 g và 900 g) và đã thu hồi được hơn 11.653 thùng trên thị trường (khoảng 90% lượng hàng đã bán ra). “Hiện chúng tôi đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế để giải quyết thấu đáo sự việc trong thời gian sớm nhất. Khách hàng khi có bất kỳ thắc mắc nào, có thể gọi về đường dây nóng cho chúng tôi theo số: 19001519”, đại diện Abbott Laboratories SA khẳng định.
Là một trong những công ty có sản phẩm sữa bột bị thu hồi do bị nhiễm khuẩn đợt này, đại diện Công ty Dumex Danone Việt Nam cho biết, qua kiểm tra, công ty phát hiện một lô hàng duy nhất số 300513R1 là sản phẩm Dumex Gold bước 2 loại 800 gr cho trẻ 6- 12 tháng, sản xuất vào ngày 30/5/2013 có nguy cơ nhiễm Clostridium Botulinum do sử dụng nguyên liệu do Fonterra (New Zealand) cung cấp. Có 615 thùng đã được nhập về Việt Nam và chuyển đến nhà phân phối từ ngày 22/7/2013 đến ngày 1/8/2013. Tuy nhiên, số lượng sữa này bán ra thị trường chưa nhiều nên tới thời điểm này công ty đã thu hồi gần 100%.
Chỉ trong vài ngày qua, hai dòng sản phẩm của hãng sữa Dumex và Abbott hầu như không bán được. Mặc dù Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và các hãng sữa đã công bố chỉ có một số lô sản phẩm nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum, nhưng thực tế nhiều người tiêu dùng đã không lựa chọn các dòng sữa của hai hãng này.
Để trấn an người tiêu dùng, rất nhiều hãng sữa khác đồng loạt lên tiếng khẳng định về chất lượng sữa của công ty mình. Bà Nguyễn Thị Lập, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Friesland Campina cho biết, Công ty Fonterra cũng đã xác nhận không có bất kỳ lô hàng nào bị nhiễm khuẩn Clostridium Botilinum cung cấp cho Friesland Campina. Do đó, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về các sản phẩm mang nhãn hiệu Friso, Dutch Lady do Friesland Campina sản xuất.
Tương tự, ông Enda Ryan, Tổng giám đốc Mead Johnson Nutrition Việt Nam cũng khẳng định, không có bất kỳ sản phẩm nào của công ty bị nhiễm khuẩn bởi công ty không mua bất kỳ lô bột đạm đậm đặc nào từ Fonterra.
Trong khi đó, các hãng sữa nội như Vinamilk, Nutifood cũng khẳng định, sản phẩm của các hãng này an toàn. “Vinamilk không sử dụng nguyên liệu Whey Protein Concentrate của Công ty Fonterra. Nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm sữa bột của Vinamilk đều được nhập khẩu từ Mỹ và EU”, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Công ty Vinamilk cho biết.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết: Trước những thông tin sữa bị nhiễm độc, Sở Công Thương TP.HCM đã thông báo cho các đơn vị kinh doanh, buôn bán sữa trên địa bàn thu hồi các loại sản phẩm sữa khuyến cáo bị nhiễm khuẩn. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để tiếp tục thanh kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những đơn vị cố tình bày bán các sản phẩm sữa nhiễm độc. Hiện nay, hầu hết các hệ thống phân phối bán lẻ, siêu thị trên địa bàn thành phố đã ngưng bán các sản phẩm trên.
Trả lời câu hỏi của báo giới về quản lý chất lượng sữa, nhất là sau vụ sữa nhiễm khuẩn, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết: Sắp tới, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả các mặt hàng sữa. Tuy nhiên, theo ông Lam, lực lượng quản lý thị trường rất mỏng và hàng nhập khẩu vào Việt Nam không chỉ qua đường chính ngạch mà còn qua đường xách tay nên gây khó khăn khi kiểm tra.
Theo Cục An toàn thực phẩm, tính đến thời điểm này, Cục đã nhận được báo cáo của 3 công ty sản xuất kinh doanh sữa về nguồn nguyên liệu sữa bột đạm whey cô đặc, gồm Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifoods) và Văn phòng đại diện Meiji. Cả ba công ty này đều không sử dụng nguyên liệu sữa đạm whey cô đặc của Fonterra. |
M.Phương- H.Tuyết- Đ.Phương