Việt Nam đang thu hút một số lượng lớn các tập đoàn và công ty lớn của Thái Lan đầu tư vào thị trường 96 triệu dân này. Trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam mới bằng một nửa của Thái Lan (khoảng 223 tỷ USD so với 455 tỷ USD trong năm 2017), nền kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm đã phát triển với tốc độ nhanh hơn, tăng trung bình 6-7% mỗi năm.
Trong bối cảnh đó, các tập đoàn lớn của Thái bao gồm CP, ThaiBev, Central, Boon Rawd, PTT và SCG đã đầu tư hàng trăm tỷ baht tại Việt Nam. ThaiBev, chẳng hạn, gần đây đã công bố kế hoạch đầu tư 200 tỷ baht vào các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam, từ bia tới những thức uống khác.
Khoản đầu tư lớn nhất của ThaiBev, trị giá 159 tỷ baht, vào Bia Sài Gòn, trong đó ThaiBev nắm giữ 56% cổ phần. Tiếp theo đó, khoản đầu tư trị giá 28 tỷ baht cho một chuỗi bán lẻ tại Việt Nam.
Berli Jucker, một công ty con của ThaiBev, đã đầu tư nhiều tỷ baht vào một nhà máy chai thủy tinh và các khoản đầu tư khác tại Việt Nam.
Tập đoàn CP đang mở rộng kinh doanh thực phẩm và nông nghiệp tại Việt Nam, với kế hoạch đầu tư 250 triệu USD để nuôi và chế biến thịt gà.
Tập đoàn bán lẻ Central đã xác định Việt Nam là thị trường “quê nhà thứ hai” sau khi đầu tư tổng cộng 50 tỷ baht trong vài năm qua. Kế hoạch đầu tư mới nhất của tập đoàn này trong giai đoạn 2018-2022 trị giá 16,5 tỷ baht tập trung vào bán lẻ và các lĩnh vực khác
PTT và SCG đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp nặng cũng như các lĩnh vực năng lượng và hóa dầu, trong lúc Boon Rawd đã đầu tư 40 tỷ baht vào ngành công nghiệp nước giải khát của Việt Nam. Các nhà đầu tư lớn khác của Thái Lan bao gồm tập đoàn Amata trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp; Gulf trong lĩnh vực năng lượng, tập đoàn Wha ở các khu công nghiệp và B Grimm trong năng lượng tái tạo.
Rõ ràng là trong mắt các nhà đầu tư Thái Lan kể trên, Việt Nam có một tương lai khá tươi sáng sau khi mở cửa nền kinh tế với phần còn lại của thế giới vài thập kỷ trước.
Đầu tiên, Việt Nam có một thị trường nội địa lớn với gần 100 triệu dân, những người sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và tiêu thụ nhiên liệu trong những thập kỷ tới. Thứ hai, Việt Nam có một lực lượng lao động khá lớn với nhiều mức độ tay nghề khác nhau, và họ sẽ là nguồn lực duy trì các ngành công nghiệp phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu.
Trong khi đó, Thái Lan đang phải đối mặt với một tình trạng xã hội già hóa nhanh chóng, cũng như cuộc khủng hoảng nguồn nhân lực xuất phát từ hàng thập kỷ kế hoạch hóa gia đình và tỷ lệ sinh thấp. Kết hợp lại, hai vấn đề nêu trên dẫn đến việc số lượng nhân công tại Thái Lan ngày một suy giảm, đồng thời khiến nước này tăng mức độ phụ thuộc vào nguồn lao động nhập cư.
Việt Nam cũng đã được hưởng lợi từ nhiều thập kỷ ổn định chính trị, trong khi Thái Lan phải trải qua nhiều năm bất ổn và đấu đá chính trị khiến đà tăng trưởng kinh tế và đầu tư tư nhân chậm lại. Bên cạnh đó, chính quyền cấp tỉnh của Việt Nam có nhiều thẩm quyền hơn các cơ quan đồng cấp của họ ở Thái Lan trong việc đưa ra những ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Cuối cùng, Việt Nam đang tập trung mạnh mẽ hơn vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và thuộc nhiều nhóm ký các hiệp định thương mại tự do.
Với tất cả những yếu tố kết hợp trên, không khó hiểu vì sao các nhà đầu tư Thái Lan và nước ngoài đang gia tăng cường sự hiện diện của họ tại thị trường Việt Nam.