Những mô hình thoát nghèo
Dự án hỗ trợ giảm nghèo (PRPP) triển khai các mô hình giảm nghèo lấy người dân làm trung tâm, đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo.
Điển hình như hộ ông A Deoh, dân tộc Gia Rai, ở thôn Khuk Na (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) có 10 nhân khẩu thuộc diện nghèo của xã. Được sự hỗ trợ giảm nghèo của Dự án PRPP từ năm 2014, gia đình ông A Deoh là một trong 30 hộ của xã Sa Bình được vay vốn nuôi bò sinh sản. Các gia đình tham gia dự án được hỗ trợ bò, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản và trồng cỏ cao sản, làm chuồng, ủ phân, tiêm phòng cho bò... Ông A Deoh cho biết: “Từ nuôi bò và thu nhập tăng thêm nhờ trồng 1 ha cỏ cao sản, gia đình tôi trả được 10 triệu đồng vay vốn của dự án, tăng gia sản xuất để thoát nghèo”.
Hỗ trợ kỹ thuật cho bà con xã Sa Bình (Kon Tum) chăn nuôi bò. |
Theo ông Nguyễn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Sa Bình, từ trước đến nay các dự án hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo đều theo hình thức cấp tiền cho hộ nghèo, nên hiệu quả chưa cao, còn dự án PRPP đã thay đổi phương pháp là trao quyền cho cộng đồng và cấp cơ sở, tự họ quyết định lựa chọn dự án đầu tư.
Chỉ Lò Thị Lê ở thôn Khuổi Luông, xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn), chị Lò Thị Lê chọn nuôi bò đực lấy thịt. “Tham khảo thị trường thì bò thịt được giá vào dịp Tết này, do đó cả nhóm quyết định nuôi vỗ béo bò thịt với tổng đàn 14 con. Được dự án hỗ trợ 18 triệu đồng/hộ, chúng tôi tự đi mua bò thịt về nuôi. Sau hơn 2 tháng vỗ béo, giờ đã có thương lái trả 25 triệu đồng/con”, chị Lò Thị Lê chia sẻ.
Trao quyền cơ sở
Dự án PRPP trong 3 năm triển khai tại Kon Tum đã hỗ trợ luân chuyển vốn cho 60 hộ nghèo và đến nay 20 hộ đã thoát nghèo. Đàn bò từ 60 con nay đã lên 120 con. “Khi triển khai dự án, người dân được đối thoại, bày tỏ nguyện vọng, mong muốn tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo. Do đó, triển khai các dự án giảm nghèo trong thời gian tới cần phân cấp, phân quyền cho cơ sở. Các chính sách giảm dần việc cho không mà Nhà nước và nhân dân cùng làm, tăng cho vay có điều kiện”, ông Lại Xuân Lâm, Phó Chủ tịch tỉnh Kon Tum cho biết.
So sánh việc triển khai giảm nghèo từ các giai đoạn trước và cách làm của dự án PRPP, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng: Khó khăn nhất trong công tác giảm nghèo là khâu tổ chức thực hiện. Nếu cứ hỗ trợ cho không người dân về cây giống, vật nuôi, thức ăn... thì dẫn đến tình trạng ỷ lại. Còn hỗ trợ sản xuất mà chủ đầu tư là cấp huyện, cấp xã thì giá cây trồng, vật nuôi bị đẩy lên cao, dẫn tới hiệu quả không như mong muốn. Vì thế, chương trình giảm nghèo nên xây dựng cơ chế quản lý, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, thay đổi tư duy sản xuất còn người dân phải trực tiếp làm.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: “Theo thống kê, cả nước còn 64 huyện có số hộ nghèo trên 50%, có những huyện còn trên 70%. Vùng lõi nghèo của Việt Nam tập trung là đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa. Do đó, trong 2 chương trình mục tiêu quốc gia đều xoay quanh khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Một trong những nội dung quan trọng mà Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đề ra là đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở, cộng đồng, phát huy tinh thần tự lực của người dân trong quá trình thực hiện giảm nghèo tại địa phương. Thực tế cho thấy, ở đâu có sự tham gia của cộng đồng thì ở đó người dân được cải thiện đời sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo”.